Hà Nội: Siết chặt quản lý ATTP nông sản tại các chợ
Ảnh minh họa |
Dẹp chợ cóc, chợ tạm
Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, hiện Thành phố có 454 chợ, trong đó chỉ có 102 chợ kiên cố; 242 chợ bán kiên cố và 128 chợ lánh tạm, với tổng diện tích 170ha, với 90 nghìn hộ kinh doanh.
Chợ Thông qua các chợ truyền thống, hàng hóa được đưa từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần mở rộng kích thích sản xuất hàng hóa phát triển, phục vụ sản xuất cũng như đời sống của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, nhiều năm nay chợ dẫn sinh đã bộc lộ rõ những bất cập, đặc biệt trong công tác đảm bảo ATTP nông sản.
Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý đảm bảo ATTP nông sản tại các chợ, đặc biệt là các chợ đầu mối và có tính chất đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở NN&PTNT đề nghị UBND quận, huyện, thị xã hướng dẫn về thực hành vệ sinh trong kinh doanh thực phẩm, tiêu chí, điều kiện, quy định, quy chuẩn đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản tại chợ.
Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND thành phố về cơ chế, chính sách, ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác chợ nhằm đảm bảo điều kiện ATTP tại chợ. Xử lý các chợ cóc, chợ tạm còn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của UBND thành phố.
Đồng thời, xử lý các hộ sản xuất, kinh doanh còn tồn tại trước cửa chợ, xung quanh khuôn viên chợ, lấn chiếm lòng lề đường, ảnh hưởng mỹ quan và không đảm bảo điều kiện ATTP. Đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra chuyên ngành theo phân công, phân cấp quản lý, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP tại các chợ.
Đẩy mạnh các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn
Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo phòng kinh tế đẩy mạnh thông tin các chuỗi, mô hình tốt, hiệu quả đến phòng kinh tế các quận để kết nối tiêu thụ. Triển khai tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy hoạch giết mổ.
Nhân rộng các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Hỗ trợ, khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt.
Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở và xử lý, công khai các cơ sở vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường lấy mẫu giám sát, truy xuất nguồn gốc, xử lý và khắc phục triệt để các vi phạm về chất lượng ATTP tại các chợ trên địa bàn. Duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc thông tin điện tử sử dụng mã QR cho các sản phẩm nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc tại các chợ từ 30-50%...
Theo Chị cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ rau an toàn. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố là 5.044ha, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng Thủ đô. Còn diện tích rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là 521,6ha, rau hữu cơ khoảng 50ha.
Sản phẩm rau an toàn trồng trên địa bàn thành phố đều bảo đảm HTX; hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn cao hơn sản xuất rau thường từ 10 đến 20%, giá trị sản xuất đạt từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm và có khoảng 1.200ha đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm do sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trái vụ…
Đáng nói, thông qua tập huấn kỹ thuật và được tuyên truyền, vận động, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất rau an toàn từ 60% trở lên, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau an toàn giảm 50%, nông dân đã tuân thủ đúng thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất rau an toàn, UBND thành phố đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới rau an toàn định hướng đến năm 2020 với mục tiêu, diện tích sản xuất rau toàn thành phố là hơn 16.276ha, trong đó các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích là hơn 6.644ha (trung bình 44ha/vùng)… Hình thức tổ chức sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố chủ yếu là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia sản xuất rau an toàn…