Hà Nội: Năm 2018, phấn đấu có thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2018 có thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới |
Theo đó, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2018 về phát triển nông nghiệp: Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển mạnh các hình thức hợp tác, liên kết giữa hộ gia đình với các tổ chức tín dụng, tổ chức khoa học, công nghệ và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 2%-2,5%. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, công tác thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm... Đặc biệt, chú trọng công tác bảo đảm giống cho vụ sau và nâng cao chất lượng giống, lựa chọn giống có năng suất, chất lượng vượt trội bổ sung dần vào cơ cấu giống của thành phố.
Về xây dựng nông thôn mới: Tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Các quận tiếp tục hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng nông thôn mới. Huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả để thực hiện Chương trình, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định.
Xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức thực hiện và nguồn lực để thực hiện các mục tiêu Chương trình ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2018. Phấn đấu có thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm tối thiểu 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với những huyện nằm trong quy hoạch trở thành quận năm 2020, căn cứ đặc điểm tình hình của địa phương chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu tiến độ đề ra.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì nâng chất các tiêu chí nông thôn mới ở các huyện và các xã đã đạt chuẩn, đồng thời thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung triển khai xây dựng đề án quy hoạch xã nông thôn mới điển hình tiên tiến tại xã Đông Hội huyên Đông Anh và xã Võng Xuyên huyện Phúc Thọ đảm bảo đạt yêu cầu và đúng tiến độ. Tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.
Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tham mưu với Ban Chỉ đạo tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đảm bảo nghiêm túc, chất lượng. Tổng hợp nội dung, số liệu phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.
Về nâng cao đời sống nông dân: Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng; đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý cán bộ gắn với thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 của Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố”.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Chương trình quốc gia về y tế, công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe, công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, thực hiện tốt công tác tuyên truyền và truyền thông nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng dân số.
Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa gắn với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình của thành phố về giảm nghèo, về giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Liên quan đến kiến nghị, đề xuất của sở, ngành liên quan và địa phương, Phó Bi thư Thường trực Thành ủy giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tổng hợp, phân loại các nhóm vấn đề; tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo giao sở, ban, ngành thành phố tập trung giải quyết, có văn bản trả lời và kiến nghị với Thành ủy, UBND thành phố giải quyết nếu vượt thẩm quyền. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố để tham mưu giải đáp các kiến nghị trong tổ chức thực hiện Chương trình.