Hà Nội: Lấy các chợ truyền thống làm “pháo đài hàng Việt”
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 4727/QĐ-UBND ngày 5/11/2021 của UBND TP Hà Nội.
Theo đề án, mục tiêu, lộ trình tổ chức thực hiện cần để huy động cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành thành phố trong quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ; với phương châm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và giữ vững thị phần các sản phẩm trong nước được bày bán tại các sạp hàng.
Hà Nội: Lấy các chợ truyền thống làm “pháo đài hàng Việt” |
Cụ thể, đến hết tháng 12/2022, toàn TP Hà Nội phấn đấu có 100% đơn vị quản lý chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% đơn vị quản lý chợ xây dựng, ban hành quy chế về quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ; 100% chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.
Về cơ sở hạ tầng, TP Hà Nội phấn đấu tối thiểu 50% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư; 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại theo quy định, nhất là các chợ khu vực vùng ven, khu vực được nâng cấp từ huyện lên quận.
Đến hết tháng 12/2024, có 100% các chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Tỷ lệ thực phẩm được giám sát, lấy mẫu tại các chợ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm giảm 70% so với năm 2021. Về cơ sở hạ tầng năm 2024, tối thiểu 80% các chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư và 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.
Đến hết tháng 12/2025, có 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn đáp ứng yêu cầu đề án trên và được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn. 100% chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư; 100% chợ xây dựng mới đáp ứng các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại…
Về mục tiêu thành trì “pháo đài hàng Việt”, TP Hà Nội phấn đấu hỗ trợ tối đa các tiểu thương, các cơ sở buôn bán tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lấy các chợ truyền thống là “pháo đài hàng Việt”, các tiểu thương trở thành những tuyên truyền viên về hàng Việt. Trên cơ sở chất lượng, giá cả hàng hóa đi kèm cuộc vận động, TP Hà Nội phấn đấu các chợ truyền thống chính là nơi người Việt có thể mua hàng Việt một cách dễ dàng nhất.
Nam Phương