Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm xây dựng xã hội học tập hiệu quả
Hà Nội luôn tăng cường gắn việc xây dựng xã hội học tập (XHHT) với các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao ý thức của người dân về tính cấp thiết khi xây dựng XHHT.
Thực hiện Đề án 89 về xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020, Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả, thành tích tốt, đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi người dân Thủ đô.
Để có được kết quả đó, Thành phố đã thực sự vào cuộc nghiêm túc cũng như chủ động, tích cực và trách nhiệm trong thực tiễn triển khai các đề án.
Hà Nội cũng tăng cường gắn việc xây dựng XHHT với các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội, GDĐT của địa phương thông qua nhiều nội dung hoạt động, hình thức tuyên truyền, tổ chức xây dựng XHHT ngày càng đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tính cấp thiết của công tác xây dựng XHHT.
Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm xây dựng xã hội học tập hiệu quả |
Về kinh phí thực hiện các kế hoạch, ngoài phần đầu tư của Thành phố còn huy động thêm được từ nhiều nguồn xã hội hoá khác của địa phương và sự hỗ trợ của các ngành, các tổ chức xã hội, cá nhân, các chương trình, dự án.
Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, nhân rộng các mô hình tiên tiến ở những nơi làm tốt để các cơ sở chưa làm tốt học tập làm theo.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình xây dựng xã hội học tập tại Hà Nội cũng gặp phải những hạn chế như: Công tác tổ chức, quản lý tại trung tâm học tập cộng đồng ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do cán bộ phụ trách phải kiêm nhiệm nhiều công việc và thường xuyên thay đổi do có sự điều động về nhân sự.
Ngoài ra, công tác vận động, mở lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi còn gặp trở ngại phần lớn do người học phải tham gia lao động sản xuất, đi làm ăn xa hoặc mặc cảm về tuổi tác.
Rồi một số đơn vị doanh nghiệp chỉ tập trung vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chưa bố trí thời gian, kinh phí và hỗ trợ cho người lao động tích cực tham gia học tập; một bộ phận công chức, viên chức và người lao động chưa nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân khi tham gia học tập nên vẫn còn có tư tưởng ngại khó.
Hoàng Thanh