Hà Nội chậm GPMB, công trình giao thông lĩnh đủ!
Cầu Nhật Tân - một trong nhiều dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ vì Hà Nội chưa giao mặt bằng theo kế hoạch. Ảnh VOV |
Vẫn biết rằng câu chuyện GPMB luôn là một bài toán khó cho hầu hết các công trình xây dựng, giao thông hiện nay. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, việc GPMB dây dưa kéo dài thể hiện sự yếu kém của chính quyền địa phương, nơi có dự án được triển khai.
Và tâm điểm của sự chú ý lại đổ dồn về Thủ đô, khi vào thời điểm này hàng chục dự án giao thông trọng điểm đều bị chậm tiến độ bàn giao mặt bằng. Thời gian kéo dài, thiệt hại về vật chất là điều không thể tránh khỏi. Hết cầu Nhật Tân, đến đường cao tốc, đường sắt trên cao.... đang phải "xếp hàng" chờ Hà Nội bàn giao mặt bằng.
Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ này và các đơn vị trong ngành đang thực hiện 12 dự án trên địa bàn Hà Nội. Trong đó đường bộ 8 dự án, đường sắt 2, hàng không 1 và đường thủy nội địa 1. Tuy nhiên hiện tiến độ của nhiều dự án còn chậm, một số dự án nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ do chậm bàn giao mặt bằng của Hà Nội.
Tiến độ “rùa” trong GPMB thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận trong suốt thời gian qua chính là dự án cầu Nhật Tân. Theo cam kết địa phương sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 4/2013. Tuy nhiên đến cuối tháng 7 vẫn còn 158 hộ thuộc gói thầu số 2 chưa bàn giao mặt bằng, hiện đang là “vướng mắc lớn nhất” của dự án cầu Nhật Tân.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, do chậm trễ trong công tác GPMB nên các gói thầu số 3 (đường dẫn phía Đông Anh), gói thầu số 1 (cầu chính) của dự án phát sinh chi phí kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng do chậm trễ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Để dự án hoàn thành theo tiến độ, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội sớm giải quyết bàn giao mặt bằng xong trước tháng 9/2013.
Tương tự đối với dự án đường nối từ Nhật Tân – Nội Bài vẫn còn vướng mặt bằng của 342 hộ dân. Theo đại diện chủ đầu tư việc chậm trễ GPMB dẫn đến nguy cơ khi xây dựng xong cầu Nhật Tân, cầu dẫn vào đường chính tuyến nhưng không nối thông được cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài.
Ngoài 2 dự án trên, còn 3 dự án đường bộ khác cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề GPMB là quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên; cao tốc Nội Bài – Lào Cai; cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C.
Tương tự một số dự án đường sắt khác, điển hình là dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cùng có chung tình cảnh chậm bàn giao mặt bằng. Để triển khai dự án theo tiến độ, ngành giao thông đề nghị Hà Nội sớm bàn giao mặt bằng tại khu vực quận Thanh Xuân vào 30/9, quận Đống Đa bàn giao mặt bằng chậm nhất 31/10/2013…
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn – Ban Quản lý dự án 85, chủ đầu tư dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân cho biết, với 5 gói thầu đã được triển khai thi công nhưng công tác GPMB phần còn lại chưa thể bàn giao cho nhà thầu đang “ảnh hưởng lớn đến tiến trình thực hiện dự án”. Ngoài đề nghị sớm bàn giao mặt bằng trong tháng 8 này, ông Tuấn cũng đề nghị Hà Nội sớm giải ngân vốn NSNN để GPMB đã bố trí 500 tỷ vốn ứng năm 2013 cho dự án.
Để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, UBND TP Hà Nội cho biết, đối với những dự án cần sớm bàn giao mặt bằng nhưng chưa bố trí được tái định cư như dự án đường nối cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên, UBND TP đã cho phép UBND huyện Sóc Sơn áp dụng cơ chế đặc thù, nâng mức hỗ trợ tạm cư cho một nhân khẩu từ 1 triệu lên 2 triệu đồng/tháng. Đồng thời thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ để các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng.
Riêng đối với những trường hợp không hợp tác, cố tình cản trở không bàn giao mặt bằng, UBND Hà Nội cho biết, sẽ áp dụng các biện pháp hành chính cương quyết để thu hồi đất.
Đối với dự án cầu Nhật Tân Hà Nội sẽ cưỡng chế 3 hộ “mấu chốt, chây ỳ”, để từ đó giải tỏa các hộ gia đình khác. Trong tháng 8 này, Hà Nội còn cho biết sẽ tiến hành cưỡng chế tại dự án quốc lộ 3 mới.