Hà Nam: Dạy nghề cho nông dân gắn với nhu cầu thực tế
Điều này giúp việc dạy nghề nông gắn với thực tế sản xuất của chính người dân địa phương. Ông Tống Văn Tam, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Những năm trước có tình trạng cứ đưa nghề về dạy không biết bà con có cần không và sau đó áp dụng như thế nào. Việc khảo sát nhu cầu của người dân ở những xã được chọn như hiện nay giúp cho chương trình thiết thực, hiệu quả, người dân được dạy nghề sẽ áp dụng luôn vào sản xuất của gia đình.
Được biết, năm 2014 Hội Nông dân tỉnh triển khai 4 lớp dạy nghề nông cho nông dân (1 lớp theo chương trình của tỉnh, 3 lớp từ nguồn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), thời gian học 3 tháng mỗi lớp. Trong đó, có 2 lớp dạy nghề chăn nuôi lợn tại xã Bối Cầu (Bình Lục) và Bắc Lý (Lý Nhân), 1 lớp chăn nuôi thú y tại xã Châu Sơn (Duy Tiên). Đặc biệt, lớp còn lại được tổ chức tại xã Hoàng Tây (Kim Bảng), khi cán bộ Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân xuống khảo sát thấy thực trạng chăn nuôi lợn tại đây đang có chiều hướng đi xuống, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó phát huy khi dạy nghề chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, tại Hoàng Tây người dân lại đang phát triển mạnh nghề nuôi ngỗng, cả xã có đến cả trăm hộ nuôi, với tổng đàn gần 2.000 con. Mặc dù người dân chăn nuôi ngỗng nhiều, nhưng chủ yếu là theo phương pháp truyền thống, chưa nắm bắt được đặc tính hay kỹ thuật chăm sóc để ngỗng phát triển tốt, tránh được các loại bệnh… Vì thế, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã tổ chức lớp dạy nghề nuôi ngỗng theo nhu cầu của người dân Hoàng Tây. Đánh giá về lớp dạy nghề nuôi ngỗng tại địa phương, ông Đoàn Văn Khương, Chủ nhiệm HTXDVNN Hoàng Tây cho biết: Chăn nuôi ngỗng tại địa phương đang được nhiều hộ trong xã chọn làm hướng phát triển kinh tế, do hiệu quả đem lại khá cao (cả nuôi thịt và nuôi sinh sản). Tuy nhiên, trong quá trình nuôi do chưa nắm vững được kỹ thuật nên không ít hộ nuôi chưa thu được lợi nhuận như mong muốn. Chính vì thế, lớp dạy nghề nuôi ngỗng rất thiết thực với sản xuất của bà con, chắc chắn khi nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, con nuôi này sẽ thực sự phát huy hết tiềm năng và tiếp tục được mở rộng cả về số hộ và quy mô đàn.
Cũng nằm trong chương trình dạy nghề nông cho nông dân, năm nay Trung tâm Khuyến nông (Sở NN & PTNT) triển khai 15 lớp tại các địa phương trong tỉnh, mỗi lớp có từ 25 – 35 học viên. Các nghề đào tạo được lựa chọn tập trung vào thế mạnh sản xuất và nhu cầu của người dân mỗi nơi, gồm: Nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn (trên nền đệm lót sinh học); trồng và nhân giống nấm; trồng rau an toàn. Đây cũng là những nghề đang được quan tâm phát triển theo chương trình xây dựng NTM giúp nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân. Các lớp dạy nghề nông cho nông dân này được giao cho Trung tâm dạy nghề của Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm dạy nghề các huyện và do Trung tâm Khuyến nông trực tiếp đảm nhận. Qua thực tế cho thấy, do nông dân được dạy nghề nông theo đúng hướng sản xuất của gia đình nên việc tham gia khá đầy đủ. Cùng với đó, chương trình học (3 tháng) được phân rõ 1/3 thời gian học lý thuyết, còn lại 2/3 thời gian thực hành. Các học viên được giảng viên là những người có kỹ thuật, kinh nghiệm trực tiếp dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Tức là được tham quan trực tiếp tại những mô hình sản xuất và được hướng dẫn cụ thể kỹ thuật thực tế, như chăm sóc trâu, bò, lợn hay trồng chăm sóc rau, nấm… Vì thế, người học nắm vững ngay được kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất của gia đình.
Tìm hiểu tại xã Nhân Chính (Lý Nhân), đây là vùng trồng rau truyền thống với diện tích hàng chục ha. Tuy nhiên, tại địa phương mới có 5 ha được sản xuất theo quy trình an toàn được xây dựng từ hơn 10 năm trước, còn lại vẫn là cách làm truyền thống bón nhiều phân hóa học, lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật. Năm 2012, theo chương trình đào tạo nghề nông cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức lớp dạy nghề trồng rau an toàn cho các hộ chuyên trồng rau và được hướng dẫn thực hành ngay tại vùng trồng rau an toàn của xã. Qua lớp đào tạo, việc trồng rau theo hướng an toàn tại Nhân Chính đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều người dân nắm vững kỹ thuật sản xuất, hạn chế hơn trong việc sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV như trước đây. Tiếp xúc với các hộ trồng rau của địa phương đều có chung tâm sự: Khi được dạy và nắm bắt kỹ thuật trồng rau an toàn chi phí cho phân bón, thuốc BVTV giảm đáng kể. Không những vậy, sức khỏe trong quá trình sản xuất được đảm bảo hơn khi ít tiếp xúc với hóa chất độc hại. Tuy vậy, năng suất và giá bán rau vẫn được đảm bảo trên diện tích canh tác.
Theo đánh giá, chương trình dạy nghề nông cho nông dân đang cho thấy hướng đi đúng đắn khi các nghề chọn đào tạo đều xuất phát từ nhu cầu của chính người dân. Người nông dân được trang bị tốt cả về lý thuyết và thực hành để áp dụng vào sản xuất của gia đình. Đây cũng chính là hướng đi giúp người dân phát triển hàng hóa tập trung theo yêu cầu tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện nay. ./.