Hà Nam: 100% số xã về đích xây dựng nông thôn mới
Hà Nam thay đổi sau 10 năm xây dựng NTM. |
Kết quả 10 năm xây dựng NTM
Đến hết tháng 11/2019, UBND tỉnh Hà Nam đã công nhận cho 98 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%, vượt 49 xã so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra; 4 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; còn 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục đang hoàn thiện một số chỉ tiêu trong bộ tiêu chí huyện và phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành 9/9 tiêu chí, đề nghị Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.
Để đạt được những hiệu quả đó, từ khi bắt đầu xây dựng NTM, tỉnh Hà Nam thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM. Toàn tỉnh bắt tay vào xây dựng NTM bằng các biện pháp phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện nghiêm các nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, tiếp tục huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân…
Các biện pháp cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam, trong quá trình xây dựng NTM, UNBD tỉnh đã hỗ trợ trên 318.000 tấn xi măng để thực hiện bê tông hóa được trên 1.900km đường giao thông thôn, xóm; 500km đường trục xã; hỗ trợ đá cấp phối để cứng hóa trên 1.000km đường trục chính nội đồng.
Các địa phương đã tập trung kiên cố được trên 100 km và nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai tại chỗ trên địa bàn; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường học và triển khai xây dựng, sửa chữa nâng cấp đưa vào sử dụng 3.010 phòng học các cấp; triển khai xây mới, nâng cấp đưa vào sử dụng 32 nhà văn hóa xã và 451 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xóm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nam chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết, đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 656,22ha. Công tác tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm nghèo nhanh theo hướng bền vững, thu nhập bình quân đầu người từ 15 triệu đồng năm 2010 lên 46 triệu đồng năm 2019, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn NTM năm 2019 còn 0,75%, và có nhiều mô hình trên ứng dụng khoa học, công nghệ tham gia liên kết chuỗi sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nguồn thu từ kinh tế cân đối ngân sách trên địa bàn ngày càng tăng (năm 2011 thu ngân sách đạt 1.838 tỷ đồng, năm 2018 thu ngân sách đạt trên 7.600 tỷ đồng, năm 2019 ước đạt gần 9.000 tỷ đồng), đây là điều kiện để hỗ trợ kinh xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng NTM kiểu mẫu
Trong kế hoạch tiếp theo, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến năm 2020 và giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Các sở, ban, ngành sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được phân công phụ trách, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công phụ trách tiêu chí cụ thể để tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên của tổ chức mình hưởng ứng và tham gia chương trình xây dựng NTM; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao ý thức tự lực tự cường củng cố khối đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.
UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo 6 xã làm điểm (mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1 xã) để xây dựng thí điểm đảm bảo đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Hà Nam là các xã làm điểm chỉ làm trước một bước để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng; các xã còn lại rà soát kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới, lựa chọn các tiêu chí phù hợp với địa phương mình để triển khai thực hiện theo phương châm tiêu chí nào dễ, cần nguồn lực ít hoặc huy động được nguồn lực xã hội hóa và được người dân đồng thuận cao thì thực hiện trước.