Hà Giang phát triển vùng nguyên liệu cho các sản phẩm OCOP
Tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu địa phương cho các sản phẩm OCOP như phát triển các loại cây, con, định hướng phát triển cây có múi, cây chè, cây dược liệu.
Hà Giang là tỉnh vùng núi cao biên giới phía Bắc Tổ quốc, có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dài trên 277 km, tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai. Tỉnh có 10 huyện và 1 thành phố, có 195 xã, phường và thị trấn; dân số có trên 80 vạn người, gồm 19 dân tộc; các dân tộc chiếm đa số gồm có dân tộc Mông chiếm 32,5%, dân tộc Tày chiếm 23,2%, Dao chiếm 15% còn lại là các dân tộc khác.
Đặc điểm điều kiện tự nhiên đa dạng, địa hình chia cắt, đường đi lại khó khăn, có nhiều dân tộc cùng sinh sống đã tạo ra cho Hà Giang sự phong phú, đa dạng về văn hóa cũng như về các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo ra nhiều sản vật và sản phẩm truyền thống, đặc trưng cho mỗi một dân tộc ở vùng nông thôn Hà Giang.
Hà Giang cũng có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu, có tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm danh lam thắng cảnh, ruộng bậc thang, các nghề truyền thống dân tộc... Các sản phẩm chủ lực mang nét đặc trưng, riêng biệt của Hà Giang gắn với phát triển du lịch cộng đồng được nhắc tên như chè shan tuyết, mật ong bạc hà, cam sành, dược liệu, thêu rệt thổ cẩm, hoa và các sản phẩm tam giác mạch là những sản phẩm sạch, được người tiêu dùng, khách tham quan du lịch ưa thích sử dụng.
Hà Giang có nhiều sản vật và sản phẩm truyền thống, đặc trưng cho mỗi một dân tộc ở vùng nông thôn Hà Giang. Ảnh: Mạnh Hùng |
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, với điều kiện thuận lợi như trên, để khai thác thế mạnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, giai đoạn 2018 - 2020 tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển khai Chương trình OCOP, gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề mang tính đặc trưng, riêng biệt, có lợi thế cạnh tranh, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Cả giai đoạn, tỉnh tổ chức đánh giá, công nhận được được 193 sản phẩm của 87 chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao.
Để tận dụng lợi thế về tài nguyên bản địa vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho cộng động dân cư, bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu địa phương cho các sản phẩm OCOP như tập trung định hướng và lồng ghép các chính sách của Trung ương, tỉnh để hỗ trợ người dân phát triển các loại cây, con có thể phát triển thành hàng hóa gắn các điểm du lịch cộng đồng như: Chè shan tuyết, dược liệu, cam sành, nuôi ong mật, thêu dệt thổ cẩm; hoàn thiện và phát triển các làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Đối với 4 huyện vùng cao thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên Đá, tỉnh tập trung phát triển về du lịch, nuôi ong mật, trồng cây dược liệu, thêu dệt thổ cẩm. Các huyện vùng thấp và phía tây, tỉnh định hướng phát triển cây có múi, cây chè, cây dược liệu…
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cũng cho biết thêm, trên cơ sở Nghị quyết số 98/2018-NQ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa thành Nghị quyết số 09/2019-NQ-HĐND, ngày 19/7/2019 về Phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đã xây dựng các dự án gửi các Sở, ngành thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện.
Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước đã góp phần bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào DTTS, tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới.
Mạnh Hùng