Hà Giang phấn đấu đến 2020 có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Năm 2010, khi mới bắt đất triển khai thực hiện, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, toàn tỉnh có đến 80% lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thu nhập đầu người mới chỉ đạt 9,6 triệu đồng/năm; kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản còn thiếu; toàn tỉnh có 6 huyện nằm trong danh sách 62 huyện nghèo của cả nước, 134 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vượt qua những khó khăn về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế xã hội nói chung, Hà Giang bắt tay vào xây dựng nông thôn mới với tinh thần chủ động, tự cường, quyết tâm cao.
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Các cấp ủy đảng, chính quyền tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM đến các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy nội lực trong dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang, năm 2019 Hà Giang đặt mục tiêu thực hiện nâng tiêu chí nông thôn mới, toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí, hoàn thành 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tính đến hết tháng 6/2019, tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Giang đạt gần 590 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa đạt khoảng 65 tỷ đồng. Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh Hà Giang đã phân bổ 3 tỷ đồng cho các đơn vị thực hiện các hoạt động có liên quan đến chương trình này như xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hà Giang tiếp tục phấn đấu cán đích nông thôn mới |
Chia sẻ về khó khăn trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho rằng, để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Giang cần nhu cầu nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, do là tỉnh nghèo nên việc bố trí nguồn lực rất hạn chế, việc bố trí lồng ghép các nguồn lực và huy động xã hội hóa cũng đạt không cao.
Hà Giang cũng đang nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại là: Mức độ quyết liệt vẫn chưa cao, nhiều khi vẫn còn tư tưởng ỷ lại; công tác giám sát phản biện chưa được thực hiện thường xuyên... thời gian tới tỉnh cần xác định xây dựng NTM là công cuộc trường kỳ, không có điểm kết thúc, không nóng vội, không được lấy thành tích...
Với bản sắc riêng của Hà Giang đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM cần xây dựng nhà NTM, thôn NTM, xã NTM, làm từ cái nhỏ trước rồi mới nhân rộng, phát triển lên; xây dựng NTM cần phải gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc; phát triển những sản phẩm đặc trưng, đặc sắc nhưng có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân; tiến hành công tác giám sát chặt chẽ hơn nữa, nắm bắt tình hình thực hiện để tham mưu cho cấp Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương chính sách sát với thực tế của địa phương; nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả...
Do đặc thù của tỉnh Hà Giang cũng như nguồn lực hạn chế nên những năm qua, tỉnh tập trung cho hai lĩnh vực là làm đường bê tông nông thôn và đẩy mạnh sản xuất, tạo thu nhập cho người dân. Băn khoăn của tỉnh Hà Giang hiện nay là thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tiêu chí nâng cao, bởi để duy tu, duy trì, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới cần nguồn vốn rất lớn trong khi giai đoạn này địa phương còn dành nguồn vốn cho những xã đang phấn đấu hoàn thành nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cho biết, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Hà Giang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đối với 38 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu trên 5 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là 43 xã. Các xã còn lại phấn đấu mỗi xã hàng năm tăng từ 1 - 2 tiêu chí. Bình quân cả tỉnh đạt 11,5 tiêu chí/xã. Trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng cụ thể như: vùng cao núi đá bình quân đạt 9,5 tiêu chí/xã; các huyện vùng cao phía Tây đạt 11,5 tiêu chí/xã; các huyện vùng thấp đạt 13 tiêu chí/xã.