Hà Giang: Đối thoại, nâng cao dân trí người dân tộc thiểu số
Một buổi đối thoại của lãnh đạo huyện Bắc Mê với người dân |
Hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trong những năm qua đã tạo nên tính dân chủ trực tiếp, khích lệ nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và đấu tranh phòng, chống tham nhũng; qua đó, nhiều vấn đề khó, vướng mắc đều được giải quyết.
Từ hiệu quả đó, cùng với việc thực hiện Kế hoạch số 90 của UBND tỉnh về việc tiếp xúc đối thoại với nhân dân, huyện Bắc Mê đã xây dựng kế hoạch triển khai và cụ thể hóa theo chức năng, nhiệm vụ của các cấp, ngành với từng trường hợp phát sinh.
Việc tổ chức các buổi đối thoại được huyện thực hiện thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo quy định do Chủ tịch UBND huyện, thủ trưởng các cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan..., dành thời gian trực tiếp gặp gỡ và đối thoại; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật.
Qua đó, năm 2018, tại trụ sở tiếp công dân huyện đã tổ chức 85 buổi; tiếp 102 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về các lĩnh vực: Đất đai; tư pháp; kinh tế; chế độ chính sách, các lĩnh vực khác liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm công chức, viên chức...
Ví dụ như: Tại buổi đối thoại về giải quyết đơn thư khiếu nại của ông Nông Văn Chung, xã Minh Ngọc ngày 9.1.2019 về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau nhiều lần nộp đơn và tổ chức đối thoại, buổi làm việc giữa Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, Thanh tra huyện và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện; các ý kiến được các bên đưa ra trao đổi trực tiếp cùng những thắc mắc của ông Chung đã được giải đáp.
Từ những trao đổi thẳng thắn, những lập luận, căn cứ xác đáng, buổi đối thoại đã đưa đến thống nhất; ông Chung và các thành phần có liên quan đã nhận thức rõ được trách nhiệm trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng đối tượng, dẫn đến vướng mắc như hiện nay.
Ông Chung đã đồng ý giải quyết trên cơ sở hỗ trợ bồi thường phần tài sản đã đầu tư vào đất và thống nhất quan điểm của UBND huyện chủ trì thành lập Tổ xác minh khối lượng san lấp, tiến hành đo đạc khối lượng đất và dự toán giá trị trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật. Đây được xem là bước tiến và hiệu quả tối ưu sau nhiều lần ông Chung nộp đơn và đã có sự thống nhất cao giữa người viết đơn và các bên có liên quan.
Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại với tinh thần cầu thị, thẳng thắn; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, phản ánh của người dân, như: Phản ánh của các gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng Dự án lòng hồ Thủy điện Bắc Mê; đối thoại với các gia đình, cá nhân liên quan đến Dự án thu hồi đất, giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác tại thôn Nà Nèn, thị trấn Yến Phú; đối thoại với cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn, thôn trên địa bàn huyện thông qua Hội nghị trực tuyến đánh giá hiệu quả mô hình giao ban luân phiên, sinh hoạt chi bộ mẫu, hoạt động của tổ công tác phụ trách xã, thị trấn, việc giám sát của Thường vụ Huyện ủy với 139 chi bộ, tổ dân phố...
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền còn tổ chức các cuộc đối thoại về chính sách giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương về công tác bảo vệ môi trường và phân bổ kinh phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Đánh giá về công tác tiếp, đối thoại với công dân; đồng chí Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Để thực hiện hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại; căn cứ vào các văn bản luật và dưới luật, huyện đã ban hành các quy định về công tác tiếp công dân theo đúng trình tự, thủ tục giải quyết đơn thư đề nghị, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo, kịp thời trong công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo xảy ra trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân tiếp cận gần hơn với pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đối với các vụ việc phức tạp, người dân thường bị kích động, lôi kéo; đơn thư thường được gửi đi đồng thời nhiều cấp, nhiều ngành, sai địa chỉ và thẩm quyền giải quyết gây khó khăn, chồng chéo trong việc theo dõi, chỉ đạo...”.
Việc tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cơ sở đã giúp phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, rút ngắn khoảng cách giữa chỉ đạo và thực tiễn; qua các buổi tiếp công dân, các khiếu nại, tố cáo được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật, tạo lòng tin của nhân dân với cơ quan nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.