GS Đặng Lương Mô: Muốn vượt lên như Hàn Quốc phải làm gấp trong 10 năm
Giáo sư Đặng Lương Mô. |
Cần chú ý nhiều hơn đến phần cứng
Tại phần chia sẻ của mình, khi đề cập đến hướng phát triển cho lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trong thời gian tới, Giáo sư Mô cho rằng nói đến CNTT nhiều người hiểu rằng đó chỉ là phần mềm. Tuy nhiên theo ông nay chúng ta nên quan niệm nhiều hơn về vấn đề phần cứng.
Lấy ví dụ về sự thay đổi nhận thức, GS Mô đã kể lại câu chuyện mình tham gia khi còn sống tại Nhật Bản.
“Tôi nhớ khoảng 40 năm trước, khi đó Ấn Độ đưa ra chủ trương phát triển CNTT và đưa một phái đoàn mà phần đông trong số đó là các bộ trưởng sang Nhật Bản làm việc. “Chúng tôi sẽ xây dựng Ấn Độ theo hướng phát triển nền khoa học CNTT, các vị có việc nào cần đến phần mềm cứ giao cho chúng tôi” – họ đã nói như thế và bây giờ chúng ta nhìn thấy rõ ràng trên thế giới không có nước nào kiếm nhiều tiền từ phần mềm bằng Ấn Độ. Thế nhưng qua mấy chục năm bây giờ Ấn Độ đã bắt đầu phát triển phần cứng của CNTT, sản xuất chip” – GS Mô nói.
Ngoài câu chuyện trên, GS Mô cũng kể lại một câu chuyện khác ngay tại Việt Nam: “Chúng ta có chương trình phát triển công nghiệp và mục tiêu sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2020. Chủ trương trên đã có nhưng có một thời gian người ta không biết bắt đầu từ chỗ nào, nói công nghiệp thì mênh mông, không lẽ chúng ta làm hết? Vậy thì phải chọn cái gì để mà làm? Để tư vấn, 1 đoàn chuyên gia của Nhật Bản đã ở lại gần 5 năm trời nghiên cứu và đưa ra 5 lĩnh vực. Tuy nhiên khi nói về phần mềm thì người khuyến cáo rằng dù nên [làm] nhưng không nên đưa vào chương trình vì cạnh tranh vô cùng khó khăn”.
“Chúng ta nên chú trọng nhiều đến sản phẩm đầu cuối của CNTT nhất là về phần cứng vì phần mềm chúng ta đã có cơ sở khá tốt rồi. Các doanh nghiệp ở đây nên tìm cách phát triển phần cứng, không nhất thiết phải sử dụng những con chip của chúng tôi nhưng chúng ta nên tạo ra một nền công nghiệp ứng dụng CNTT phổ cập tại Việt Nam” – ông nói.
Ông cũng đề nghị nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đối với những sản phẩm trong nước đã sản xuất được để những sản phẩm đó đi vào đời sống của người dân.
Cũng từ mong muốn CNTT được phổ cập tại Việt Nam nên ông mong Chính phủ và các doanh nghiệp hãy chú ý đến thị trường trong nước, vì đó là “một thị trường rất lớn, sẽ vượt mức 100 triệu người trong 10 năm tới”.
Việt Nam có đủ điều kiện trở thành “siêu quốc gia”
Nói đến lợi thế dân số, GS Mô cũng nhắc đến một khái niệm được thế giới đưa ra gần đây, đó là định nghĩa về một “siêu quốc gia” (không phải siêu cường quốc - PV), cụ thể ông nói:
“Theo đó để đạt được các nước cần có đủ 5 điều kiện:
Thứ nhất có dân số trên 100 triệu người, điều này chúng ta sẽ đạt được trong 10 năm tới. Tại sao lại nói vậy là vì với thị trường 100 triệu người chúng ta có đủ sức để phát triển bất cứ cái gì, cả về khoa học công nghệ, công nghiệp hay giáo dục…
Thứ hai là tự túc 100% về lương thực, cái này chúng ta làm được.
Thứ ba là có một nền giáo dục hoàn chỉnh. Về vấn đề giáo dục của chúng ta thì nhiều người có ý kiến lắm. Nhưng dù nền giáo dục nước ta tuy có vấn đề thật nhưng sự phát triển là tương đối là tốt.
Thứ tư cũng là quan trọng nhất là có một nền công nghiệp hoàn chỉnh, về điều này chúng ta trong nỗ lực cho đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì hy vọng sẽ hoàn thành.
Có nhiều người thường lý luận rằng dân số Việt Nam chúng ta hiện nay rất trẻ, nhưng chúng ta nến nhớ rằng 10 năm nữa dân số Việt Nam không trẻ nữa và 20 năm nữa quá nửa dân số sẽ là người già.
Như vậy thời gian để chúng ta xây dựng nền công nghiệp hoàn chỉnh không còn nhiều, chỉ 20 năm nữa. Nếu chúng ta không làm được thì không bao giờ chúng ta vượt lên được khỏi những nước thu nhập trung bình. Muốn vượt lên như Hàn Quốc chúng ta phải làm gấp trong 10 năm nữa.
Điều kiện thứ năm là một xã hội, chính trị ổn định, điều này chúng ta hiện đang có”.
Giáo sư Đặng Lương Mô là nhà khoa học ở tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực vi mạch. Cho đến nay ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và hơn 10 bằng phát minh có tính ứng dụng cao, được các nước phát triển công nhận. Đặc biệt “Mô hình Transistor MOSFET" do ông công bố năm 1979 đã được đưa vào giáo trình giảng dạy của rất nhiều trường đại học công nghệ tại Mỹ. Ông sinh năm 1936 tại Kiến An, Hải Phòng. Năm 1957 ông được cấp học bổng du học tại Nhật Bản và sinh sống tại đây khoảng 40 năm trước khi trở về định cư tại TP.HCM vào năm 2002. Kể từ khi về nước, ông được coi là nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam.