Gợi ý đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tại Hà Nội năm 2022
Sáng nay (18/6), các thí sinh tại Hà Nội đã làm bài thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022-2023.
Bài thi môn Văn được tổ chức theo hình thức tự luận trong thời gian 120 phút. Thí sinh bắt đầu làm bài từ 8h.
Sau đây là đề thi Văn vào lớp 10 tại Hà Nội năm nay:
Đề thi môn Văn |
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, nội dung đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9, không bao gồm các nội dung đã được tinh giản.
Các câu hỏi trong đề thi bảo đảm các cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao.
Dưới đây là gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 Hà Nội do các thầy cô Tổ Văn – Hệ thống giáo dục HOCMAI thực hiện:
Phần I:
Câu 1:
- Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được sáng tác theo thể thơ năm chữ.
- Mạch cảm xúc của bài thơ: Bài thơ được bắt đầu từ cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp mùa xuân thiên nhiên đất trời, tiếp đến là vẻ đẹp mùa xuân đất nước, để từ đó nhà thơ cất lên ước vọng cống hiến cho cuộc đời chung, cho mùa xuân của dân tộc. Cuối cùng, bài thơ kết thúc bằng lời ca tiếng hát ngợi ca vẻ đẹp quê hương xứ sở của nhà thơ.
Câu 2: Giá trị gợi hình, gợi cảm của hình ảnh “giọt long lanh rơi” trong hai dòng thơ: “Từng giọt long lanh rơi – Tôi đưa tay tôi hứng”.
- Giá trị gợi hình: “Giọt long lanh rơi” gợi hình ảnh giọt mưa xuân hay giọt sương đọng trên tán lá, cành cây, giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện trong trẻo, lắng đọng giữa bầu trời xuân.
- Giá trị gợi cảm: “Giọt long lanh rơi” cho thấy tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trong cảm nhận thiên nhiên mùa xuân; cảm xúc say mê, sự trân trọng những vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên đất trời.
→ Tác dụng: Hình ảnh là sự kết tinh của những điều đẹp đẽ nhất của thiên nhiên; góp phần thể hiện sự tinh tế của nhà thơ.
Câu 3: Một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở viết về mùa xuân:
- “Mùa xuân của tôi” – tác giả Vũ Bằng.
- “Rằm tháng Giêng” – Hồ Chí Minh
Câu 4: * Nội dung: Biết bám sát ngữ liệu và khai thác hiệu quả các tín hiệu nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ,…) để làm rõ vẻ đẹp mùa xuân đất nước và cảm xúc của tác giả
- Vẻ đẹp mùa xuân đất nước.
+ Vẻ đẹp của con người trong chiến đấu và sản xuất: “Người cầm súng”, “Người ra đồng”
+ Không khí lao động rộn rã, sôi nổi: “Mùa xuân”, “Tất cả”.
- Cảm xúc của tác giả.
+ Tình yêu, niềm tự hào về đất nước.
+ Niềm tin vào sức sống của đất nước trong thời đại mới.
→ Đặc sắc nghệ thuật: điệp cấu trúc “mùa xuân”, “tất cả….như”; ẩn dụ “lộc”;…..* Hình thức:
- Đảm bảo dung lượng theo yêu cầu của đề: Khoảng 12 câu.
-Hình thức lập luận: Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp.
- Đoạn văn không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
- Thực hiện đủ yêu cầu Tiếng Việt trong bài viết: sử dụng câu bị động và phép thế để liên kết (gạch dưới, chú thích rõ một câu bị động và từ ngữ dùng làm phép thế).
Phần II:
Câu 1: Học sinh có thể chọn một trong hai phép liên kết dưới đây.
- Phép liên kết:
+ Phép lặp: “hạnh phúc”, “gương”, “soi”.
+ Phép nối: nhưng.
- “Tấm gương lương tâm”: Biện pháp ẩn dụ.
Câu 2: Gợi ý:
Theo tác giả, những điều giúp con người hạnh phúc là:
-“Một gương mặt đẹp soi vào gương”: Vẻ đẹp về hình thức chỉn chu, gọn gàng.
-“Một tâm hồn đẹp để mỗi khi soi vào tấm gương lương tâm sâu thẳm mà lòng không hổ thẹn”: Vẻ đẹp tâm hồn bên trong sẽ càng làm con người hạnh phúc hơn: biết yêu thương, chia sẻ, vị tha; biết hướng tới những điều tốt đẹp; sống ngay thẳng, trung thực để không hổ thẹn với bản thân.
→ Con người cần biết quý trọng vẻ đẹp bên ngoài nhưng điều quan trọng hơn là phải luôn tu dưỡng, rèn luyện đời sống tâm hồn, nhân cách bên trong.
Câu 3: * Nội dung:
- Hiểu được vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.
- Bàn luận xác đáng về vấn đề cần nghị luận: thể hiện được chính kiến cá nhân một cách thuyết phục; nội dung phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Gợi ý:
1. Giải thích
- Người có vẻ đẹp tâm hồn: Người có lối sống tích cực, có đam mê, sở thích cá nhân và mục tiêu phấn đấu, lí tưởng trong cuộc đời; có tình yêu thương và tử tế với những người xung quanh.
- Khẳng định: Con người cần nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn có cuộc sống tốt đẹp, hướng tới xây dựng xã hội văn minh.
2. Bàn luận
- Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan và năng lượng tích cực; Là sức mạnh nội tại khiến cho mỗi người trở nên mạnh mẽ, hạnh phúc.
- Lan tỏa giá trị tới những người xung quanh, tạo ra giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Dẫn chứng:
-- Nguyễn Trãi - danh nhân văn hoá thế giới - các tác phẩm của ông đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người và đất nước.
-- Bác Hồ đã sống và cống hiến cả cuộc đời mình, hy sinh hạnh phúc cá nhân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; Người cũng dành tình yêu thương bao la cho những số phận lầm than và các em nhỏ.
3. Mở rộng:
- Phê phán lối sống chỉ chú trọng đến hình thứ, không tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tâm hồn…khiến con người dần trở nên ích kỷ và hạn chế sự phát triển, hoàn thiện của chính mình.
- Cần nhìn nhận đa chiều, không nên đánh giá người khác chỉ qua vẻ bề ngoài.
- Cần có sự vun đắp, cân bằng cả về vẻ đẹp bên ngoài và nội tâm bên trong.
4. Bài học nhận thức và hành động:
- Nhận thức tầm quan trọng của vẻ đẹp tâm hồn, từ đó, ý thức về việc bồi dưỡng, phát triển bản thân một cách toàn diện.
- Bắt đầu từ những sở thích và đam mê cá nhân, tiến hành lập kế hoạch và chinh phục những mục tiêu.
- Cộng đồng cần có cái nhìn cởi mở, sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những quan điểm, góc nhìn mới.
* Hình thức: Đảm bảo dung lượng theo yêu cầu của đề; lập luận chặt chẽ, lí lẽ thuyết phục, dẫn chứng phù hợp; diễn đạt mạch lạc, rõ ý, đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Hoàng Thanh
Sáng nay gần 107.000 học sinh Hà Nội thi vào lớp 10, tỉ lệ chọi khốc liệt nhất
Sáng nay (18/6), gần 107.000 thí sinh bước vào môn thi Ngữ văn - môn thi đầu tiên tại kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội năm 2022.