Gỡ khó trái phiếu, nhà đầu tư đã bị tổn thương, cần thời gian 'chữa lành'

Những quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp giúp gỡ khó phần nào cho doanh nghiệp phát hành. Thế nhưng, để thị trường sôi động trở lại, điều quan trọng là phải chờ nhà đầu tư lấy lại được niềm tin.

PV. VietNamNet đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink về Nghị định 08/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Có cơ sở pháp lý để thương lượng

- Ông đánh giá thế nào khi Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa là 2 năm?

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh: Trên thực tế, doanh nghiệp vẫn đang làm như vậy. Nếu không thỏa thuận được, doanh nghiệp vẫn phải trả khi đến hạn. DN thương lượng với nhà đầu tư bằng nhiều cách, một là gia hạn trả nợ, hai là trả bằng tài sản khác. Nghị định 08 quy định rõ hơn, cụ thể hơn điều này.

Cho dù Nghị định chưa có quy định, thì doanh nghiệp cũng đang làm việc tương tự. Vì thế, quy định này chưa hẳn là giải pháp mang tính đột phá để gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

 Luật sư Nguyễn Đức Mạnh

- Vậy vì sao nhiều doanh nghiệp lại cho rằng Nghị định 08 quy định rõ như vậy sẽ giúp họ tránh được rủi ro pháp lý khi tiến hành thỏa thuận với nhà đầu tư. Rủi ro pháp lý các doanh nghiệp đề cập ở đây là gì, thưa ông?

Rủi ro pháp lý ở đây ở chỗ: Nghị định 65 nêu rằng đến hạn thanh toán trái phiếu, doanh nghiệp phải trả tiền cho nhà đầu tư. Quy định như vậy, nếu hiểu đóng khung, thì doanh nghiệp không có cách nào khác là phải trả nhà đầu tư bằng tiền. Còn thực tế, dưới góc độ dân sự, nhà đầu tư và doanh nghiệp hoàn toàn có thể thỏa thuận một cách bình đẳng và tự nguyện. Thay vì trả bằng tiền, doanh nghiệp chưa thu xếp được, có thể gia hạn hoặc thanh toán bằng tài sản khác.

Còn các doanh nghiệp muốn quy định rõ như tại Nghị định 08 là nhằm có cơ sở pháp lý rõ ràng để tiến hành thương lượng với nhà đầu tư trái phiếu.

- Quy định mới cho phép lùi thời điểm áp dụng quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu đến ngày 1/1/2024. Có ý kiến lo ngại rằng như vậy nhà đầu tư tiếp tục không có công cụ nào để biết trái phiếu họ mua có đảm bảo khả năng trả nợ hay không. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là điều tốt và rất đúng. Thị trường trái phiếu vừa qua hoạt động có nhiều vấn đề, doanh nghiệp phát hành có nhiều hình thức lách luật. Việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là cần thiết để thị trường hoạt động một cách chuyên nghiệp, minh bạch hơn, đảm bảo cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp khi họ quyết định mua trái phiếu.

Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện của Việt Nam các đơn vị xếp hạng tín nhiệm chưa sẵn sàng, thì việc lùi này là cần thiết. Về lâu dài, phải có xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành để đảm bảo mục tiêu như tôi vừa nói.

- Còn đối với việc lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện cho việc gia hạn/giãn nợ, những nhà đầu tư dưới chuẩn tiếp tục được mua trái phiếu mới để doanh nghiệp đảo nợ?

Trong chừng mực nhất định, điều này có thể làm tăng số lượng người tham gia mua trái phiếu. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, người dân sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố khi mua trái phiếu doanh nghiệp vì họ đang mất niềm tin vào các doanh nghiệp bất động sản và thị trường bất động sản cũng đang trầm lắng. Họ sẽ tìm đến các kênh đầu tư khác an toàn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn.

 Thị trường bất động sản đang trầm lắng, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ trái phiếu. Ảnh: Hoàng Hà

Cần thời gian "chữa lành"

- Ông vừa nói đến yếu tố niềm tin. Nếu nhà đầu tư không biết doanh nghiệp nào được xếp hạng tín nhiệm tốt thì sao họ có niềm tin để tham gia đầu tư trái phiếu nữa?

Đúng rồi. Việc gia hạn xếp hạng tín nhiệm cũng có mặt trái như vậy. Người dân sẽ không có niềm tin vào doanh nghiệp, vào thị trường. Lùi thời hạn cũng khiến nhà đầu tư không chuyên nghiệp không đủ dũng cảm để tham gia vào các hoạt động đầu tư trái phiếu.

- Vậy làm thế nào lấy lại niềm tin bây giờ khi Nghị định 08 dường như mới gỡ khó cho phía nhà phát hành?

Về vấn đề niềm tin, chúng ta đừng hy vọng pháp luật có thể can thiệp được hết. Cái chính ở đây các doanh nghiệp phát hành phải tự gây dựng uy tín, tạo ra niềm tin rất cụ thể để nhà đầu tư an tâm.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn sử dụng không đúng mục đích, không giữ đúng cam kết với nhà đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư sẽ quay lưng với doanh nghiệp. Để lấy lại niềm tin, chỉ có cách là doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

- Lúc này nếu doanh nghiệp nào trả nợ gốc và lãi sòng phẳng thì rõ ràng trong tương lai việc phát hành trái phiếu sẽ thuận lợi hơn?

Đúng vậy. Ở góc độ Nhà nước chỉ tạo được điều kiện như vậy còn vẫn phải phụ thuộc vào uy tín và năng lực thực tế của các doanh nghiệp phát hành.

- Có lẽ phải mất một thời gian nữa nhà đầu tư mới có thể lấy lại niềm tin sau những “tổn thương” trên thị trường trái phiếu, thưa ông?

Tôi cũng nghĩ vậy, phải mất một thời gian dài nữa niềm tin của nhà đầu tư mới quay trở lại. Giờ nhà đầu tư vẫn đang rất lo lắng, không biết làm thế nào để lấy lại được tiền. Tiền đang nằm trong chính những doanh nghiệp phát hành ấy và họ không có cách nào lấy ra được.

Những người có tiền nhàn rỗi cũng khó an tâm khi bỏ tiền vào trái phiếu. Phải có thời gian thì doanh nghiệp cũng như thị trường mới lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư. Đây cũng là bài học cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, làm sao xây dựng thị trường trái phiếu lành mạnh, tốt cho quản lý và tốt cho DN phát hành, tạo ra kênh huy động vốn hiệu quả cho thị trường, mang lại yên tâm cho nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Lương Bằng

Bộ giao đàm phán giá điện sạch trước 31/3, EVN tiết lộ lý do không thể xong

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đến ngày 29/3, chỉ có 4/85 chủ đầu tư điện gió gửi hồ sơ đề nghị Công ty mua bán điện đàm phán giá điện.

Vietjet sắp mở đường bay Cần Thơ - Vân Đồn

Vietjet sẽ mở đường bay Cần Thơ - Vân Đồn (Quảng Ninh), kết nối hai khu vực kinh tế trọng điểm ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng chưa hiệu quả, còn tư duy cục bộ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong trong vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Nguyên do là vì nhận thức về vai trò liên kết vùng của chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ.

Thời dòng tiền khó toàn cầu, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang nhận 375 triệu USD

Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhận giải ngân 375 triệu USD trong bối cảnh toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Dòng vốn thế giới “mất hút” trên nhiều kênh do khủng hoảng và nhiều tổ chức tài chính đang lao đao.

Lương 0 đồng, tỷ phú Trần Đình Long quyết dừng đầu tư mới dù đã qua lúc khó nhất

Tỷ phú Trần Đình Long cho biết Tập đoàn Hòa Phát đã qua thời kỳ khó khăn nhất, nội lực rất tốt, giờ chỉ chờ sức cầu. HPG sẽ dừng các hoạt động đầu tư mới, cắt giảm đầu tư bất động sản và dồn lực cho dự án thép Dung Quất.

Khánh Hòa được định hướng thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế

Theo quy hoạch, Khánh Hòa sẽ là trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước về kinh tế biển.

Thắng lớn sau vụ bán vốn 1,5 tỷ USD, VPBank 'dè dặt' với kế hoạch lợi nhuận 2023

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 khá khiêm tốn dù sẽ thu về 1,5 tỷ USD sau khi bán 15% vốn cho đối tác ngoại.

Từ mức cao chót vót, thanh trà Thái có giá rẻ như rau

Chỉ trong vòng 20 ngày, từ mức cao chót vót, giá thanh trà Thái lao dốc, rơi xuống mức rẻ khó tin.

Doanh nghiệp trông chờ 'cuộc cách mạng’ trong thủ tục xuất nhập cảnh

Sau nhiều trông đợi, Chính phủ đồng thuận sửa đổi chính sách visa theo hướng mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực điện tử, tăng thời hạn lưu trú cho khách ngoại. Doanh nghiệp cho rằng đây sẽ là cuộc cách mạng trong thủ tục xuất nhập cảnh.

Bất ngờ đắt khách ở châu Á, 'hạt ngọc Việt' xuất sang một nước tăng tới 30.352%

Các khách hàng ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia... bất ngờ tăng mua lượng lớn gạo Việt Nam. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đảo chiều tăng mạnh trong 3 tháng năm đầu năm nay.