Giúp ngư dân vững tâm bám biển
Trong hành trình bảo vệ và gìn giữ biển đảo Việt Nam, ngư dân đóng vai trò như những “cột mốc sống”. Hỗ trợ cho ngư dân bám biển, khai thác thủy hải sản chính là một trong những giải pháp hữu hiệu, vừa tạo cơ hội phát triển kinh tế, vừa bảo vệ được chủ quyền biển đảo.
Ngư dân Phạm Quốc (trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ, nhờ được Nhà nước hỗ trợ vay ngân hàng nên ông đã chuyển từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt. Nhờ vậy mà mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản đã kéo dài nhiều ngày hơn, có thể chống chọi được thời tiết biển động mạnh và sóng lớn.
Bên cạnh đó, mỗi chuyến vươn khơi xa, tàu của ông và ngư dân địa phương đều được hỗ trợ chi phí xăng, dầu. “Ngoài ra, khi ngư dân hành nghề trên biển không may tai nạn, đau ốm thì được lực lượng chức năng kịp thời ứng cứu, nhờ vậy giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản. Các ngư dân còn được Nhà nước hỗ trợ tiền bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên, qua đó giúp cho ngư dân càng yên tâm hơn khi vươn khơi, phát triển kinh tế…”, ngư dân Quốc bộc bạch.
Theo ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Núi Thành, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi phát triển kinh tế, chính quyền huyện đã phối hợp với địa phương vận động ngư dân thành lập 49 tổ đại đoàn kết sản xuất trên biển với 317 phương tiện. “Sự ra đời của các tổ đại đoàn kết đã giúp các ngư dân đoàn kết, gắn bó với nhau trong những vươn khơi, thường xuyên liên lạc, hỗ trợ lẫn nhau nếu gặp sự cố trên biển”, ông Hiệp nói và cho biết thêm, trên địa bàn có 6 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền vỏ gỗ, 1 cơ sở đóng tàu vỏ thép và 7 cơ sở sản xuất đá cây phục vụ cho khai thác biển; thành lập được 3 nghiệp đoàn nghề cá ở các xã: Tam Quang, Tam Giang, Tam Hải.
Cũng theo ông Hiệp, chính sách phát triển thủy sản, hỗ trợ ngư dân của Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã có tác dụng rất lớn đối với ngư dân tham gia khai thác hải sản tại các vùng biển xa. Huyện có 18 tàu thu mua hải sản, có nhiều tàu đã nâng cấp hoặc đóng tàu mới để trở thành tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, với định mức 1 tàu dịch vụ phục vụ cho 10 tàu khai thác hải sản xa bờ, công suất từ 90CV trở lên.
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho hay, để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển thì Nhà nước đã thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm cho ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, mỗi năm đơn vị cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức từ 10 đến 20 lớp tuyên truyền về Luật biển cho ngư dân; đề nghị ngư dân ứng dụng các máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất trên biển để giúp nâng cao năng suất đánh bắt, giảm sức lao động và tăng thời gian vươn khơi dài ngày hơn.
Để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân miền Trung khi đánh bắt hải sản trên biển còn có sự đồng hành của Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2. Đơn vị đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo vệ ngư dân yên tâm vươn khơi. Đồng thời, ngư dân cùng lực lượng CSB tham gia bảo vệ chủ quyền, tố giác các lực lượng nước ngoài vi phạm vùng biển của Việt Nam và phát giác tội phạm vi phạm trên biển để cung cấp thông tin cho lực lượng CSB, qua đó góp phần ngăn ngừa các loại tội phạm trên biển.
Từ đầu năm 2022 đến, lực lượng CSB đã cứu hộ 4 vụ ngư dân gặp nạn trên biển đưa vào bờ an toàn. Ngoài ra, thực hiện chương trình CSB đồng hành cùng với ngư dân đã, đơn vị cũng đã thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình bị nạn trong cơn bão số 4 vừa qua. Bên cạnh đó, BTL Vùng CSB 2 còn tổ chức công tác truyền chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và các văn bản pháp luật về biển, đảo cho các ngư dân.
Hồ Ca