Giới trẻ bất chấp làm nội dung ‘rác’ để leo lên ‘xu hướng’ TikTok
Nhiều bạn trẻ không ngần ngại tạo ra những nội dung nhảm nhí, lệch lạc chỉ để đổi lấy hào quang nổi tiếng chớp nhoáng trên TikTok.
Tràn lan video nhảm nhí, độc hại
Hiện nay tại Việt Nam, Tiktok là nền tảng mạng xã hội phổ biến thứ tư với tỷ lệ 75,6% người dùng trong độ tuổi từ 16-64. Với độ phủ rộng lớn, Tiktok trở thành một mảnh đất màu mỡ của những nhà sáng tạo nội dung dù là với mục đích giải trí hay kiếm tiền. Tiktok trả lời câu hỏi “Hôm nay xem gì?” của rất nhiều người khi những video tiếp cận người xem được sắp xếp xuất hiện một cách ngẫu nhiên, tùy chỉnh theo sở thích, thói quen người dùng.
Theo thuật toán của TikTok, những video càng thu hút lượng người tương tác cao thì càng dễ dàng xuất hiện trên “xu hướng”. Vậy nên với nhiều người sản xuất nội dung thì việc xuất hiện trên “xu hướng” trở thành thước đo của sự nổi tiếng. Trong số đó có người cố tình thực hiện những nội dung nhảm nhí để “câu” tương tác.
Bên cạnh những video mang tính giáo dục, giải trí lành mạnh… lại có không ít người lựa chọn con đường “không mấy vẻ vang” khi sẵn sàng tạo ra những nội dung gây tranh cãi như body shaming (công kích ngoại hình), phân biệt vùng miền, hay những nội dung nhạy cảm về tình dục, “người thứ ba”… để có được sự chú ý của người xem.
Nếu như cách đây không lâu, một cô gái khiến cộng đồng mạng nổi lên tranh cãi vì đăng tải video mang đậm định kiến vùng miền khi chê bai “đàn ông miền Bắc gia trưởng, miền Nam nhậu nhẹt, miền Trung nghèo”, thì mới đây, một tài khoản Tiktok khác cũng nhanh chóng nổi lên với video có nội dung bodyshaming. Cụ thể trong video, cô gái tỏ vẻ đầy ngán ngẩm cho rằng “Con trai mà chỉ cao mét 7 thì… vứt”.
Sau khi nhận về không ít những chỉ trích Tiktoker này tiếp tục đăng tải video công kích những người không cùng quan điểm với cô. Tuy nhiên, theo một mô tuýp quen thuộc, khi đã đạt được mục đích thu hút sự chú ý và dễ dàng xuất hiện trên “xu hướng”, tài khoản này thay đổi hướng xây dựng nội dung cho kênh và ngỏ lời “mong mọi người đón nhận”.
Chỉ trong một thời gian ngắn đăng tải video gây tranh cãi và leo lên “xu hướng” của Tiktok, tài khoản này thu về cả triệu lượt người xem và theo dõi. |
Không dừng lại ở đó, một số người làm nội dung trên Tiktok còn tạo ra những video khiến người xem ngao ngán, không thốt nên lời. Điển hình là video dâng lễ chùa đầu năm bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ của một Tiktoker tên Linh Hương. Trong video, người này cho rằng, “bán cái gì thì dâng lên cái đó” và không ngần ngại sử dụng một số từ ngữ nhạy cảm liên quan đến phái nữ.
Video này sau khi được chia sẻ lại trên Facebook đã thu về hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Hầu hết cư dân mạng, đặc biệt là những người cũng làm trong ngành sáng tạo nội dung tỏ ra vô cùng bức xúc trước việc xây dựng nội dung một cách bất chấp, thiếu sự tinh tế của đội ngũ kênh này.
Cư dân mạng ngán ngẩm khi kịch bản nội dung “báng bổ” như vậy cũng có người dám viết. |
Đáng buồn là những nội dung "rác", “độc hại” này lại được lan truyền một cách chóng mặt. Sự tranh luận của cộng đồng mạng vô hình trung “tiếp tay” cho các video này tiếp cận đến nhiều người dùng khác. Lúc này, bản thân thuật toán của Tiktok lại xuất hiện vấn đề khi tiếp tục đề xuất những video có nội dung phản cảm, khiến cho những video này hiển thị lên “xu hướng”, từ đó tiếp tục lan tỏa mạnh hơn đến người dùng.
Cần thanh lọc, xóa bỏ nội dung "rác"
Chia sẻ với phóng viên, Ths.Vũ Thế Cường - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy về vấn đề mạng xã hội cho biết: “Với mức độ phủ rộng lớn, những nội dung độc hại trên Tiktok ảnh hưởng nhiều mặt đến người dùng. Về mặt tinh thần, đã có những nghiên cứu khoa học chứng minh rằng Tiktok có thể gây nghiện cho giới trẻ, thậm chí gây tổn hại về mặt sức khỏe tinh thần.
Những vấn nạn như bắt nạt, công kích cá nhân, nội dung thô tục phản cảm… vẫn hàng ngày tràn ngập trên Tiktok khiến người dùng, đặc biệt là giới trẻ có những hành vi bắt chước. Lâu dần, những nội dung này khiến người dùng bị sai lệch về mặt nhận thức, chuẩn mực xã hội và văn hóa ứng xử.
Rất nhiều video mang tính kích động, thách thức giới trẻ tham gia vào các hành vi bạo lực và vi phạm pháp luật. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có sự kiểm soát tốt hơn với nền tảng này.
Bên cạnh đó, việc người dùng sa đà quá nhiều, không có kĩ năng sử dụng mạng xã hội cũng dẫn đến việc đánh mất quyền riêng tư và không đảm bảo được an toàn thông tin cho bản thân”.
Hình ảnh phì phèo khói thuốc ngay tại lớp học được học sinh quay video khoe mẽ trên mạng xã hội. |
Có thể nói việc xuất hiện các nội dung “rác” trên các nền tảng mạng xã hội là điều không tránh khỏi khi mà việc nổi tiếng trên các mạng xã hội một cách nhanh chóng có thể giúp các nhà sáng tạo nội dung “hái ra tiền” từ tương tác của người xem. Việc bài trừ những nội dung độc hại luôn cần cần thời gian cũng như sự đồng lòng từ cả nhà phát hành và người dùng của nền tảng.
Trao đổi về vấn đề này, Ths.Vũ Thế Cường nhận định: “Đầu tiên, đứng trước sự sinh sôi một cách chóng mặt của các nội dung xấu độc, các nhà quản lý nội dung của nền tảng cần liên tục cập nhật, xây dựng những chính sách cũng như công nghệ trí tuệ nhân tạo để quản lý nội dung chặt chẽ hơn.
Về phía các cơ quan quản lý, vào tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó có điều 7 về Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần có những quy định chặt chẽ hơn, đi sát vào thực tế để có những chế tài đảm bảo các nhà quản lý nội dung phải có trách nhiệm cao hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng nội dung trên không gian mạng Việt Nam.
Về phía người dùng, do Tiktok thu hút lượng lớn người dùng trẻ đặc biệt là tuổi vị thành niên - độ tuổi chưa có đầy đủ nhận thức phân biệt hết những nội dung độc hại nên chúng ta cần hỗ trợ người dùng nâng cao kỹ năng để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.
Đây là một câu chuyện mang tính lâu dài và không hề dễ dàng nên rất cần sự can thiệp từ phía nhà trường và các bậc phụ huynh - những người trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục trẻ, giúp trẻ tránh những nội dung độc hại trên mạng xã hội”.
Các “sex joke” (trò đùa mang tính tình dục) thô thiển cũng được các bạn trẻ đem lên Tiktok để lôi kéo sự chú ý. |
Bên cạnh sự tỉnh táo của người dùng, việc các “hot Tiktoker” dùng sức ảnh hưởng của mình để lên án những người phát triển nội dung xấu độc cũng là một việc làm cần thiết. Ví dụ như Tiktoker Hiếu Shyn - người hiện đang sở hữu tài khoản 1.8 triệu follower thường xuyên có những video phản bác lại các nội dung gây tranh cãi. Những video của anh chàng thường thu hút sự đồng thuận rất lớn của cộng đồng mạng.
Video có lượt xem cao nhất (12 triệu view) của Hiếu Shyn là phản bác lại nội dung phân biệt vùng miền của một TikToker khác. |
Ngoài ra, từ phía người dùng, khi gặp những dạng video thiếu văn minh, kệch cỡm, gây khó chịu,... mọi người hoàn toàn có thể sử dụng tính năng “Báo cáo” video sau đó chặn tài khoản của Tiktoker tạo ra nội dung đó. Để hạn chế những bình luận mang tính bắt nạt, công kích với những từ ngữ thô tục, kích động… người dùng cũng có thể bật tính năng “Lọc bình luận” của Tiktok.
Không thể phủ nhận rằng Tiktok đem lại nhiều hiệu ứng tích cực cho xã hội khi mang tính giải trí rất cao. Người dùng có thể dễ dàng tiếp cận, tương tác và xây dựng các mối quan hệ mới thông qua nền tảng này. Có nhiều bạn trẻ có vẻ nhút nhát ngoài đời nhưng khi lên Tiktok, họ lại thoải mái thể hiện bản thân, bày tỏ suy nghĩ và bộc lộ được sự sáng tạo của mình.
Tuy nhiên, mạng xã hội nói chung và Tiktok nói riêng giống như một “con dao hai lưỡi” khi mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến và đưa ra những lý lẽ của riêng mình. Vì vậy mỗi người dùng khi tham gia vào các nền tảng này cần đủ tỉnh táo để phân biệt được đúng - sai, tránh bị cuốn vào vòng xoáy tranh luận được tạo ra nhằm mục đích trục lợi.
Phương Huyền - Triệu Trang