Danh sách tỉnh thành đã cho học sinh quay lại trường học trực tiếp
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT hiện cả nước có 23 địa phương đã tổ chức dạy học trực tiếp, 15 địa phương cho học sinh học trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước còn 25 tỉnh, thành chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp. 15 địa phương đã cho học sinh một số vùng an toàn được đến lớp, còn lại học trực tuyến kết hợp truyền hình. TP.HCM là địa phương mới nhất tổ chức dạy học theo hình thức kết hợp này.
Hiện có 23 địa phương cho học sinh học trực tiếp |
Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch thì cho học sinh trở lại trường; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo quy định.
UBND tỉnh, thành căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp.
Trong đó, trường học tại các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) tổ chức dạy học trực tiếp, đồng thời củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình.
Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, trường ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và 12, bảo đảm giãn cách phù hợp điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), căn cứ thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học, địa phương quyết định tổ chức hình thức cho nghỉ học, hoặc dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học...
92% phụ huynh TP.HCM đồng thuận tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho con
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, tính đến thời điểm này toàn thành phố có 92,13% phụ huynh đồng thuận tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi trên địa bàn.
Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết chủ trương tiêm vắc xin phòng Covid-19 là đảm bảo an toàn sức khỏe trước dịch bệnh, trong đó trẻ em cũng là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm.
Việc tiêm vắc xin cho trẻ em không phải là điều kiện để học sinh đến trường học trực tiếp và phụ huynh đăng ký tiêm vắc xin cho học sinh trên tinh thần tự nguyện. Chỉ khi nào phụ huynh hay người giám hộ cho trẻ đồng ý thì học sinh mới được tiêm chủng.
Theo ông Dũng việc lấy ý kiến tiêm vắc xin cho trẻ trong độ tuổi từ 12- 17 trên địa bàn được thực hiện theo nhiều kênh. Trong đó, với những em đang là học sinh sẽ thực hiện thông qua nhà trường còn các em không đi học được thực hiện qua kênh phường, xã. Hiện nay TPHCM cũng chưa quyết định mở cửa trường học trở lại.
Hoàng Thanh