3 đại học đầu tiên công bố đề án tuyển sinh năm 2022
ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Gia Định, ĐH Công nghiệp TP.HCM công bố đề án tuyển sinh năm 2022 với một số điểm mới.
Nói về phương án tuyển sinh 2022 của trường, TS Mai Đức Toàn – Trưởng phòng Tuyển sinh Trường Đại học Gia Định cho biết, điểm mới nhất của đề án tuyển sinh 2022 là trường ra mắt Chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Marketing và Kinh doanh quốc tế. Đây là các ngành có nhu cầu xã hội cao, đồng thời yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng. Những ngành nghề mà hiện nay được xã hội quan tâm, cũng như định hướng 3 năm tới khi sinh viên Đại học Gia Định tốt nghiệp.
Một điểm mới khác của Trường Đại học Gia Định là ngoài 14 ngành trường đào tạo những năm gần đây, trường mở thêm 5 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo đại trà lên 19 ngành. Các ngành mới từ năm 2022 gồm Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị nhà hàng và ăn uống, Quản trị du lịch và lữ hành.
Đề án tuyển sinh dự kiến của trường cũng đưa ra mức học phí trong năm tới, từ 7,5 đến 12,5 triệu đồng/học kỳ. Mức học phí được giữ ổn định trong suốt quá trình đào tạo. Như vậy, mức học phí này có giảm so với tuyển sinh năm 2021.
Ảnh minh họa |
Năm 2022, ĐH Gia Định tuyển sinh theo 3 hình thức: Trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, đối với Chương trình đại trà là từ 15 điểm, đối với Chương trình tài năng là từ 18 điểm; Xét điểm của kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, chương trình đại trà từ 600 điểm, chương trình tài năng từ 700 điểm; Trường sẽ xét học bạ THPT dựa trên tổng điểm của học kỳ một lớp 11, học kỳ hai của lớp 11 và điểm học kỳ I của năm lớp 12. Tổng điểm từ 16,5 đối với chương trình đại trà và từ 18 đối với chương trình tài năng.
Thời gian bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ tháng 1/2022.
Năm 2022, ĐH Công nghiệp TP.HCM có 4 phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng; xét kết quả học tập THPT năm lớp 12; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trong đó, phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chiếm 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu ở phương thức xét kết quả học tập bậc THPT năm lớp 12 là 20 điểm.
Hội đồng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo dự kiến 3 phương thức tuyển sinh năm 2022 là xét tuyển tài năng; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; và xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong đó, phương thức xét tuyển tài năng của trường bao gồm xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; xét kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy chiếm 60 đến 70% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy là tổ chức gọn nhẹ, không gây áp lực cho thí sinh, thiết kế trong vòng 1 ngày và dự kiến tổ chức ở 4 địa điểm là Hà Nội, Hải Phòng, Vinh và Phú Thọ. Mặc dù đề thi được thiết kế trong khuôn khổ khối kiến thức bậc THPT nhưng tính phân loại chắc chắn sẽ cao hơn đề thi THPT những năm gần đây".
Các trường đại học sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa chủ trì tổ chức gồm: Đại học Công nghệ giao thông vận tải; Đại học Giao thông Vận tải; Đại học Mỏ-Địa chất; Đại học Thăng Long; Đại học Thủy lợi; Đại học Xây dựng Hà Nội. Theo biên bản thỏa thuận, các trường cùng phối hợp và hỗ trợ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022.
Các trường có trách nhiệm trao đổi, phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy và xét tuyển; cùng giải quyết những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện trên tinh thần hợp tác, thiện chí và cùng có lợi. Bên cạnh đó, các trường cùng phối hợp và hỗ trợ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong công tác xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022.
Theo kế hoạch dự kiến, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Thí sinh có thể đăng ký thi thử trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022. Bài thi đánh giá tư duy có thời lượng tối đa 270 phút, nội dung gồm các phần: Toán (trắc nghiệm, tự luận) với thời lượng 90 phút; Đọc hiểu (trắc nghiệm) với thời lượng 30 phút; Tự chọn 1 (trắc nghiệm) - Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) với thời lượng 90 phút; Tự chọn 2 (trắc nghiệm) - Tiếng Anh với thời lượng 60 phút. Năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ dành 60-70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả của kỳ thi này.
Hoàng Thanh