Trường ĐH 'liều' tuyển sinh vượt 16 lần chỉ tiêu: Bộ GD&ĐT nói gì?
Bộ GD&ĐT cho biết một số đại học lấy danh sách trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu để dự phòng trường hợp thí sinh không nhập học. Trong trường hợp nếu cơ sở giáo dục tuyển sinh vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý.
Theo danh sách trúng tuyển đại học chính quy năm 2021 bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, một số ngành của Trường ĐH Công đoàn có số thí sinh trúng tuyển vượt rất xa so với chỉ tiêu được công bố trong đề án tuyển sinh.
Với ngành Công tác xã hội, số thí sinh trúng tuyển là 446/200 chỉ tiêu; ngành Xã hội học là 405/200, vượt hơn 100%. Các ngành như Bảo hộ lao động, Quan hệ lao động đều vượt 80%, các ngành khác thấp hơn, nhưng có thể thấy 100% các ngành của Trường ĐH Công đoàn đều có thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa gây “sốt” khi lấy số lượng thí sinh trúng tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh trong đề án tuyển sinh.
Cụ thể, ngành quản trị kinh doanh gọi đến 943 thí sinh trúng tuyển, trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của ngành này là 60, nghĩa là vượt gấp khoảng 16 lần so với chỉ tiêu. Tương tự, ngành công nghệ thông tin có số thí sinh trúng tuyển cao gấp 8 lần so với chỉ tiêu; ngành quản lý đất đai là 4,6 lần.
Ảnh minh họa |
Trường ĐH Đà Lạt có 22/41 ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu nhiều lần: ngành Sư phạm lịch sử cao gấp 6,5 lần chỉ tiêu; ngành Sư phạm hóa học là 6,1 lần; ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là 5,95 lần, ngành Quản trị kinh doanh 5,05 lần, ngành Luật 4,38 lần...
Trường ĐH Lao động - Xã hội cơ sở tại Hà Nội có 11/12 ngành lấy số thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu từ 1,4 - 3,9 lần; cơ sở tại TP.HCM, cả 10 ngành đào tạo tại đây đều có số lượng trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu, trong đó, ngành Kinh tế lấy gấp 3,3 lần.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc gọi trúng tuyển vượt chỉ tiêu là biện pháp trừ hao mà trường nào cũng áp dụng để tránh thí sinh ảo. Tuy nhiên, gọi vượt bao nhiêu để vừa đủ là một bài toán khó.
Bởi lẽ, nếu gọi vượt quá nhiều, thí sinh nhập học đầy đủ thì trường phạm vào quy định tuyển vượt chỉ tiêu cho phép sẽ bị xử lý theo chế tài. Ngược lại, nếu không khéo tính toán thí sinh nhập học ít thì sẽ tuyển thiếu chỉ tiêu ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo của trường. Tuy nhiên, nhiều người đều nhận định việc gọi nhập học cao đến hơn chục lần so với chỉ tiêu thì “quá liều”.
Về tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT cho biết phần mềm lọc ảo giúp giảm thiểu tình trạng thí sinh “ảo” và đảm bảo mỗi thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng vào một ngành của một trường ở mức tốt nhất theo năng lực của thí sinh lựa chọn, chứ không giải quyết hết mọi vấn đề “ảo” của các trường, bởi thí sinh có quyền nhập học hoặc từ chối nhập học.
Nhằm tránh xảy ra sai sót, nhầm lẫn, làm ảnh hưởng quyền lợi của các thí sinh đối với nhiều trường hợp, các trường nếu chưa có đủ thông tin chắc chắn sẽ không nhập thí sinh trúng tuyển ở các phương thức khác lên hệ thống để loại thí sinh khỏi danh sách xét tuyển trước khi lọc ảo.
Bộ GD&ĐT cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng thí sinh ảo. Vì vậy, các trường phải cân nhắc quyết định để tăng thêm số thí sinh khi xác định điểm trúng tuyển và số lượng trúng tuyển.
Theo quy chế tuyển sinh, các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, công tác tuyển sinh năm 2021 sẽ được báo cáo đầy đủ vào ngày 31/12 với số lượng thí sinh nhập học chính thức.
"Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm nếu các cơ sở giáo dục tuyển vượt so với chỉ tiêu được giao", Bộ GD&ĐT khẳng định.
Hành vi công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Các trường không công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm đảm chất lượng đầu vào hay thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố bị phạt từ 30-40 triệu đồng. Nghị định cũng quy định sẽ phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.
Hoàng Thanh