Giới trẻ đi nghe đồ vật kể chuyện thời ông bà
“Bản lề - Chuyện giao thoa” – Sự kiện nhằm tái hiện lại thời kỳ chuyển giao giữa thế kỷ cũ và thế kỷ mới từ 1990 - 2000, một thập kỷ ghi dấu nhiều dấu mốc quan trọng và những bước chuyển biến đáng ghi nhận của đất nước đã diễn ra mới đây.
Triển lãm “Vật kể chuyện thập niên 90” là sự đóng góp của chính những người đã trải qua những năm tháng giai đoạn 1990-2000 thông qua chiến dịch “Thư viện ký ức” được phát động từ trước. Đến với Triển lãm “Vật kể chuyện thập niên 90”, người tham dự như được quay ngược bánh xe thời gian trở lại quá khứ cùng các gian hàng, các trò chơi, những món ăn,… đặc trưng của những năm 1990 – 2000.
Trịnh Thị Hương Giang (Ban tổ chức chương trình) cho biết, để có thể tái hiện lại một cách chân thực nhất khung cảnh xưa cũ, các thành viên đã phải tìm hiểu rất kỹ từ những người đi trước, đó là cha mẹ, thầy cô, những người đã đi qua thập niên đó. Những vật dụng như bộ sập gụ, đèn bão, thùng múc nước, chạn bát đĩa, nồi gang, mâm đồng… đều được tự tay các thành viên thu thập từ nhiều miền quê.
Bạn Nguyễn Anh Quân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: 'Những đồ vật ở đây ở nhà mình đã từng có đầy đủ. Đơn cử như chiếc chạn bát đũa này, đây là đồ vật rất quen thuộc với những người miền quê hay người phố cổ. Mình nhớ lúc đó bà kể chiếc chạn bát vốn có màu gỗ, sau đó người ta sơn thành màu xanh lá cây, nhiều người không có nhiều tiền thì sơn màu xanh lơ như thế này. Bởi vì lúc đó sơn màu xanh lá đắt hơn có giá 27 đồng/ lọ còn sơn màu xanh lơ có giá rẻ hơn chỉ 15 đồng/ lọ.
Những đồ vật đó có thể đã từng đi cùng tuổi thơ của nhiều người, nhưng có thể chỉ còn tồn tại qua lời kể của ông bà, cha mẹ.
Dưới đây là một vài hình ảnh khơi gợi lại một thập niên xưa cũ đã qua:
![]() |
Những cuộn băng cát xét, băng video với một mẩu giấy giới thiệu nhỏ. Đây đã từng là những vật dụng quen thuộc với nhiều người thuộc thế hệ cũ. |
![]() |
Những cánh thư tay là phương tiện để giữ liên lạc tốt nhất thời bấy giờ khi điện thoại vẫn còn là một thứ đồ xa xỉ. |
![]() |
Chiếc xe đạp Phượng Hoàng đã từng là một tài sản lớn trong gia đình. |
![]() |
Một góc bếp với những vật dụng quen thuộc như chiếc chạn bát gỗ, nồi gang, đĩa sứ tráng men, bếp dầu, đèn bấc, mâm đồng... |
![]() |
Dép tông lào, phích nước liên xe, điếu cày nõ gỗ đều là những vật dụng quen thuộc hầu như nhà nào cũng có. |
![]() |
Ngày ấy, nhà nào có được chiếc tivi đen trắng như thế này được coi là khá giả. |
![]() |
Chiếc máy khâu Liên Xô cũ đạp chân chứ không phải dùng động cơ như bây giờ. |
![]() |
Nồi gang là vật dụng luôn thường trực trong nhà bếp, thậm chí đến bây giờ nhiều gia đình vẫn thích dùng nồi gang nấu cơm để có cháy ngon. |
![]() |
Sập, gụ, tủ - thập niên trước gia đình nào có đủ những món đồ này là biểu hiện của một gia đình khá dư giả. |
![]() |
Giường gỗ, chiếu cói, thùng sắt, quạt sắt tai voi, nôi treo... |
![]() |
Đèn dầu, cập lồng tầng, quang gánh... những đồ vật miền quê thân thuộc. |
![]() |
Ngày đó, trên bàn uống nước của các gia đình thường có một bộ chén, một giá đựng bình chè xanh, bình vôi ăn trầu và một chậu cây tiểu cảnh nho nhỏ. |
![]() |
Chõng tre, mâm đồng, cối đá chày gỗ, bát đĩa sứ... |