Giáo dục sớm không phải dạy con kiểu "thiên tài", ép học chữ trước lớp 1
Theo các chuyên gia giáo dục, mỗi đứa trẻ đều có những năng lực riêng, không nên “ép trái non chín ép”. Nhiều bậc cha mẹ đang hiểu sai khái niệm "giáo dục sớm" nên cố dạy chữ cho con, đẩy con tới các lớp học trước chương trình.
Ảnh minh họa |
Ở các thành phố lớn, cha mẹ rất quan tâm đến việc học sớm của con. Theo quan sát, nhiều phụ huynh đang lầm tưởng việc giáo dục sớm tức là cho con đi học trước chương trình, là giáo dục con theo kiểu thiên tài mà vô tình gây nên nhiều hệ lụy.
Tại hội thảo khoa học quốc tế về giáo dục sớm trong thời đại công nghệ, các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh không nên ép con học chữ, luyện viết, nhất là học tiền lớp 1, học khi trẻ dưới 6 tuổi.
Theo PGS. TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người thì từ thai nhi đến 6 tuổi, bộ não của trẻ rất phát triển. Vì vậy ông khuyến cáo bố mẹ, nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ trong giai đoạn này.
“Giai đoạn 0-3 tuổi não phát triển tốc độ nhanh mà các nhà khoa học hay gọi là giai đoạn vàng để giáo dục cho trẻ, nhưng một vấn đề nảy sinh là hiện nay các trường học mầm non có chương trình giáo dục sớm chưa thực sự hợp lý.
Một điều quan trọng là phụ huynh không nên ép trẻ học chữ, học lớp học ngôn ngữ sớm, dạy trước chương trình. Tôi thấy nhiều phụ huynh cho con đi học thêm kiểu nhồi nhét, dạy trước, đó là quan niệm sai lầm.
Đa số những phụ huynh này đều cho rằng giáo dục sớm là giáo dục thiên tài, cho con mình giỏi mà không biết rằng tay của trẻ có khả năng vận động thô và vận động tinh. Nếu chưa đủ tuổi, rèn luyện thô chưa vững, phụ huynh ép con luyện tinh là sai phương pháp dễ dẫn đến trầm cảm.
Chưa kể, mong con nổi trội trong lớp, nhiều phụ huynh ép con đi học thêm luyện đủ thứ quá sức, dần dần con chán nản, trầm cảm và điều này sẽ hủy hoại tế bào thần kinh của trẻ, không kích thích được tư duy sáng tạo của trẻ”, PGS. TS Nguyễn Võ Kỳ Anh nói.
Bên lề hội thảo, PGS. TS Trần Thành Nam – Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam chia sẻ, giáo dục thông qua chơi hiện nay cũng là phương pháp giáo dục được nhiều người sử dụng nhất là cho trẻ từ 0-6 tuổi.
Chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ vì ở tuổi mầm non các con học thông qua tất cả các trò chơi, học thông qua bắt chước, học thông qua đóng vai...
Bản thân chơi đã là hoạt động rất hấp dẫn lôi cuốn đứa trẻ, giúp đứa trẻ thấy thoải mái. Trước đây trẻ chơi tự do còn học thông qua chơi là người ta tận dụng các hoạt động chơi đó và đưa các mục tiêu giáo dục vào hoạt động này để phát triển năng lực của các em cả về nhận thức, cả ngôn ngữ, sáng tạo và tình cảm xã hội.
“Ví dụ, tôi cùng con vẽ tranh, với một tờ giấy và nhiều màu sắc có thể cho con chọn một hình ảnh nào đó con thích và vẽ lại. Con tôi vẽ cơn mưa màu vàng...
Nếu ai không hiểu sẽ chất vấn “không không, cơn mưa phải trắng, con vẽ màu vàng là sai”... nhưng nếu là giáo dục sớm đồng hành cùng con thì mình sẽ nói “con có thể giải thích vì sao cơn mưa của con màu vàng?”.
Lúc đó đứa trẻ của tôi nói, con nhìn qua cửa cổ, trời mưa và dưới ánh đèn đường màu vàng nên xuất hiện cơn mưa màu vàng. Đó đúng là sự quan sát không tồi của đứa trẻ.
Chỉ là hoạt động chơi nhưng giúp đứa trẻ phát huy sự tưởng tượng, sáng tạo và cảm thụ thẩm mĩ.
Hay khi chơi xếp hình với con, thông qua trò chơi phụ huynh có thể yêu cầu con xếp hình theo màu sắc, sẽ phân nhóm hình nào, màu gì thì con xếp theo màu. Hoặc yêu cầu con xếp theo số cạnh của hình đó thì với những hình tam giác con sẽ xếp với nhau, hình tứ giác con sẽ xếp với nhau.
Qua đây vừa hướng dẫn con khái niệm liên quan đến màu sắc, số, tính toán. Những trò chơi đơn giản nhưng khi đưa vào mục tiêu giáo dục thì có thể giúp con phát triển nhiều kỹ năng”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Hoàng Thanh
'Tẩy chay' lớp học thêm tiền lớp 1, phụ huynh cần làm gì giúp con?
Ở bậc mầm non các con đã được làm quen với bảng chữ cái, với những nét viết cơ bản để cấu tạo nên chữ. Vì vậy, phụ huynh không cần quá sốt sắng đưa con đến các lớp học tiền tiểu học.