Giao dịch bất động sản giảm mạnh, người lướt sóng khó thoát hàng
Sau một thời gian tăng giá, thị trường bất động sản phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang và vùng Tây Nguyên đều rơi vào trầm lắng. Không có giao dịch, giá bất động sản lại không giảm đáng kể, khiến nhà đầu tư khó thoát hàng.
Thời điểm sốt nóng, những mảnh đất có view sông, hồ như thế này ở Tây Nguyên được cò đất săn lùng mua. |
Sau một thời gian tăng cao, mua bán sôi động, hiện nay giao dịch trên thị trường bất động sản Bắc Giang đã chững lại. Nhiều thửa đất trước đây nhà đầu tư mua với mục đích phân lô, tách thửa đăng bán nhưng không có khách tìm hiểu.
Từ khi có thông tin về một số tuyến đường mới đi qua như đường nối quốc lộ 17, 37, đường tỉnh 292 và nằm gần khu du lịch sinh thái Núi Dành thì xã Việt Lập (huyện Tân Yên) trở thành địa bàn thu hút các môi giới nhà đất kéo về lùng tìm các đất đồi, đất cây lâu năm, đất ở xen kẹp… khiến giá đất liên tục “nhảy múa”. Thậm chí những thửa đất nằm ở khu hẻo lánh cũng được mua đi, bán lại nhiều lần khiến giá tăng lên nhanh chóng.
Một thửa đất 800 m2 có lối vào nhỏ hẹp trước đây bán với giá 280 triệu đồng thì chỉ sau thời gian ngắn, qua 3-4 lần giao dịch, thửa đất này về tay chủ cuối với giá hơn 800 triệu đồng.
Hay như mảnh đất với diện tích 1.300m2 trong đó chỉ có 1 phần đất thổ cư, còn lại là đất trồng cây lâu năm và ao, hồi đầu năm được bán với giá 800 triệu đồng, nhưng chỉ 1 tuần sau đó, nảnh đất này đã được bán lại với giá không tưởng là 1,6 tỷ đồng.
Thời điểm nhộn nhịp là vậy nhưng khoảng từ đầu tháng 7 tới nay, 2 mảnh đất trên đều được rao bán nhưng chưa có người mua.
Lãnh đạo xã Việt Lập cho biết, những tháng trước, việc công chứng liên quan đến sang tên, chuyển nhượng đất tại xã khá nhộn nhịp, bình quân khoảng 30 trường hợp/tháng thì nay chỉ còn khoảng 30%. Sau thời gian săn lùng để mua đất thì hiện nay các môi giới tung hàng để bán ra. Tuy nhiên, thông tin bán thì nhiều nhưng rất ít người mua.
Tương tự, tại một số xã ở huyện Lục Nam, trước đây nhiều thửa đất được giao dịch với giá lên tới hàng tỷ đồng thì nay thông tin rao bán lại chẳng có người mua.
Một số người dân nơi đây cho biết, hồi cuối năm ngoái, họ vẫn thường xuyên nhận được điện thoại nhờ tìm đất đầu tư nhưng nay chỉ có người nhờ bán song chẳng có người mua.
Theo Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bắc Giang, hiện nay giao dịch, thanh khoản trên thị trường bất động sản Bắc Giang trầm lắng, nhất là đất mua để tách thửa. Hiện các văn phòng công chứng, các giao dịch liên quan đất đai giảm mạnh. Sau các phiên đấu giá đất đã không còn sang nhượng nhiều như trước.
Không riêng gì ở Bắc Giang, tại TP Hải Dương, trong khoảng 2 tháng gần đây, bất động sản ở TP Hải Dương có xu hướng giữ giá, lượng giao dịch bất động sản ở nơi này cũng giảm sâu.
Theo một số văn phòng môi giới bất động sản ở TP Hải Dương, lượng giao dịch BĐS trong 2 tháng trở lại đây giảm mạnh, giảm từ 60-70% so với trước.
Theo số liệu hợp đồng giao dịch tại Phòng Công chứng số 1 TP Hải Dương, trong tháng 4/2022, phòng công chứng số 1 xử lý gần 1.730 hợp đồng giao dịch bất động sản. Tuy nhiên, sang tháng 5, lượng hợp đồng được xử lý giảm 13% so với tháng 4; và sang tháng 6, lượng hợp đồng tiếp tục giảm 25% so với tháng 5, giảm 35% so với tháng 4.
Vào đầu năm 2021, tại Hà Nội, giá đất những nơi có quy hoạch nâng cấp lên quận, khu vực tuyến đường Vành đai 4 dự kiến đi qua đều bị đẩy lên tương đương 30 – 50tr/m2; bình quân tăng khoảng 20 – 30%. Thậm chí có nơi tăng 50%.
Tuy nhiên, hiện nay, giá nhà đất nhiều khu vực vùng ven Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất; Ba Vì... có dấu hiệu chững lại, nhiều khu vực rơi vào trầm lắng sau cơn "sốt" nóng; những khu đất trước đó tấp nập người về xem đất thì nay không một bóng người.
Đầu năm 2022, giá bất động sản ở Tây Nguyên bỗng tăng nhiệt, giao dịch mua, bán diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giao dịch bất động sản trên thị trường có dấu hiệu chững lại.
Tại TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), cácvăn phòng công chứng hiện rất vắng khách, số lượng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản từ đầu tháng 5/2022 đến nay đột ngột giảm mạnh.
Trên các hội, nhóm, diễn đàn mua bán nhà đất nghỉ dưỡng, đất view đẹp ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông..., thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc nhưng giao dịch thành công rất ít.
Giao dịch bất động sản nhiều nơi trầm lắng, thông tin rao bán đất tràn lan vẫn ít người mua. |
Nhà đầu tư muốn thoát hàng phải hạ giá
Theo Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã có chỉ đạo quyết liệt về việc phân lô, tách thửa đất, chỉ giải quyết một số trường hợp có nhu cầu thật, không phải đầu cơ.
Ngoài ra, với các công cụ “siết” mạnh như cơ quan thuế áp giá chuyển nhượng sát giá trị thực, ngân hàng siết chặt dòng tiền cho vay bất động sản… khiến giao dịch ở lĩnh vực này giảm mạnh.
Điều đáng nói là, mặc dù giao dịch rơi vào trầm lắng nhưng giá bất động sản vẫn đứng im, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do người bán đang “om hàng” nằm theo dõi tình hình.
Còn các môi giới ở khu vực Tây Nguyên, trước đây, giá đất ở nhiều nơi tăng là do có thông tin quy hoạch như lập dự án mới, quy hoạch mở rộng đường…, khiến giá đất tăng chóng mặt. Nhiều người đi săn lùng mua đất để bán lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường giao dịch khá trầm lắng.
Những người lỡ ôm hàng chưa kịp thoát giờ phải rao bán khắp nơi để tìm khách, thấm chí chấp nhận bị ép giá. Nếu so sánh với 2-3 tháng trước thì người tìm mua đất tại khu vực này giảm đến 70-80%.
Bên cạnh việc chính quyền nhiều địa phương siết chặt phân lô, tách thửa nên hoạt động mua bán đất ở nhiều khu vực đóng băng, việc xoay đồng vốn từ các kênh vay như ngân hàng đang ngày càng khó khăn cũng khiến nhiều nhà đầu tư bể kèo mua đất, chết ngộp tài chính buộc phải bán ra. Ai cần tiền gấp, muốn bán nhanh phải chấp nhận hạ giá.
PV (t/h)
Nhà đất rơi vào thời điểm 'bán ra thì khó, mua thì phải thận trọng', có nên xuống tiền?
Khi thị trường bất động sản đang ở thời điểm bán ra cũng khó, mua vào thì phải cân nhắc thận trọng vậy có nên đầu tư không? Nếu vẫn quyết định ‘xuống’ tiền thì đầu tư khu vực nào và đầu tư ra sao?