Giảng viên bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ vì chưa học tiến sĩ: Có phù hợp?
VietNamNet giới thiệu ý kiến của TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT.
Ngày 20/6, Trường ĐH Hà Tĩnh thông báo sẽ xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên không có cam kết đi đào tạo tiến sĩ (thạc sĩ đối với các giảng viên có trình độ cử nhân).
Tiếp đó, ngày 27/6, trường ban hành quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng đơn vị, viên chức và lao động hợp đồng năm học 2023 – 2024. Trong tổng số 276 viên chức và lao động hợp đồng đang công tác tại trường, có 11 người không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong số đó, có 9 người thuộc diện đi học tiến sĩ trong năm 2023 nhưng những giảng viên này không ký cam kết đi học tiến sĩ.
Theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018, giảng viên dạy bậc đại học chỉ phải đảm bảo yêu cầu trình độ từ thạc sĩ trở lên, phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy. Nếu chiếu theo Luật Giáo dục Đại học, thì việc mà Trường ĐH Hà Tĩnh đang triển khai (xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên không có cam kết đi đào tạo tiến sĩ) là không phù hợp.
Theo quy định chung, có bằng thạc sĩ là đã đảm bảo tiêu chuẩn giảng dạy bậc đại học. Có thể trường muốn phát triển hơn, theo quy chế nội bộ thì có thể ra quy định đó, song cũng cần phải theo khung chung của nhà nước. Khi chỉ ban hành quy định, giao nhiệm vụ nhưng không tạo điều kiện cho thuộc cấp hoàn thành nhiệm vụ là không phù hợp với nguyên tắc giao việc của người lãnh đạo; hoặc một quy định nội bộ rất cần sự đồng thuận cho giảng viên để đảm bảo tính khả thi của quy định.
Khi đặt ra yêu cầu, nhà trường cần xét tới bối cảnh và các yếu tố khác để tránh áp đặt một cách cứng nhắc. Câu chuyện này cho thấy, kể cả mục đích là hướng đến chuẩn cao hơn thì vẫn có sự cứng nhắc.
Trường ĐH Hà Tĩnh nói riêng cũng như các trường đại học địa phương khác nói chung vốn rất khó khăn về tuyển sinh và tuyển được giảng viên giỏi.
Người giỏi thì chưa chắc đã muốn trở thành giảng viên ở một trường đại học địa phương, thu nhập không cao thì lấy đâu ra nhiều nhân tài làm giảng viên có trình độ tiến sĩ. Điều này là một thách thức lớn của trường. Chưa kể, Trường ĐH Hà Tĩnh vốn phát triển lên từ một trường cao đẳng sư phạm sáp nhập với một trường trung cấp kinh tế kỹ thuật. Do đó, cần nhìn nhận năng lực nghiên cứu của đội ngũ đang thực tế ở mức độ nào.
Khi chính sách còn tồn tại những bất cập, nếu Trường ĐH Hà Tĩnh thực hiện một cách ‘cứng rắn’ quá, có thể mất đi giảng viên có kinh nghiệm... Bởi giảng viên nói chung là đối tượng có tự trọng, lại ở vùng đất khoa bảng, họ sẽ khó chấp nhận làm một cách hình thức, thiếu thực chất như thường thấy với không ít luận án tiến sĩ khác. Bản thân giảng viên không phải ai cũng có khả năng làm tiến sĩ là một thực tế. Đó là còn chưa tính đến yếu tố chi phí bỏ ra trong quá trình làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Kinh tế khó khăn, lương bổng không được bao nhiêu so với chi phí phải bỏ ra, cũng khó có thể bắt buộc họ tham gia làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nếu ra một quy định để đảm bảo tính khả thi, trường và địa phương cần xem có giải pháp gì để hỗ trợ giảng viên về kinh phí, cơ chế.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo với 3 loại chương trình là chương trình định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, và định hướng nghề nghiệp. Trường ĐH Hà Tĩnh vốn xuất thân từ trường chuyên nghiệp (cao đẳng sư phạm và trung cấp) nên chương trình theo hướng úng dụng và theo định hướng nghề nghiệp là phù hợp. Như vậy, trình độ giảng viên là thạc sĩ cũng đã ổn, nếu thạo việc giảng dạy ở bậc đại học. Nói cách khác, yêu cầu giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các chương trình định hướng nghiên cứu nên bắt buộc, còn ở hai loại chương trình còn lại thì có thể linh hoạt chấp nhận.
Cơ sở đào tạo nên đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ theo thực lực và kết quả công việc của giảng viên hơn là chỉ chú trọng đến bằng cấp. Do đó, nên xem xét giải quyết sự việc theo hướng điều chỉnh quy định. Thay vì xếp loại giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ vì lý do này, nên có những hình thức khuyến khích, hỗ trợ tài chính hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giảng viên đi học tiến sĩ. Nên có đãi ngộ tốt và môi trường làm việc như cải thiện chế độ phúc lợi, môi trường làm việc và các chính sách hỗ trợ giảng viên để giữ chân những giảng viên có năng lực. Điều này bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho các giảng viên có mong muốn học tiến sĩ, cũng như cải thiện điều kiện làm việc và các chế độ đãi ngộ khác.
Cùng với đó, cần có cơ chế đánh giá toàn diện. Chẳng hạn xây dựng hệ thống đánh giá giảng viên dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học (lưu ý không phải cứ giảng viên có trình độ tiến sĩ mới có thể nghiên cứu), đóng góp cho nhà trường và sinh viên, thay vì chỉ dựa vào bằng cấp. Tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các chương trình đào tạo liên tục và phát triển nghề nghiệp mà không nhất thiết phải đạt đến trình độ tiến sĩ. Điều này có thể bao gồm các khóa học ngắn hạn, hội thảo, và các hoạt động nghiên cứu phối hợp.
Nhà trường cần có phải có những biện pháp mềm dẻo, tăng cường bồi dưỡng nguồn nhân lực đồng thời với việc chia sẻ và hợp tác với một số trường đại học khác. Có thể áp lực đến từ việc không đủ tiến sĩ thì khó mở ngành học, nhưng trường cũng có thể kiến nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện, cơ chế hạ thấp tiêu chuẩn giảng viên có trình độ TS khi mở ngành cho loại chương trình định hướng nghề nghiệp hay định hướng ứng dụng, thay vì gây sức ép lên giảng viên. Khi nhà trường phát triển lên giai đoạn khác ổn định hơn, nguồn lực vật chất đầy đủ, có nhiều chương trình định hướng nghiên cứu thì việc giảng viên có trình độ tiến sĩ khi đó sẽ trở thành mục đích tự thân của giảng viên.
Thanh Hùng (Ghi)