Giải quyết vấn đề mại dâm nên sử dụng giải pháp mang tính xã hội
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, mô hình "Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm" được thực hiện tại 3 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Mô hình dự án được triển khai nhằm tăng cường năng lực cho phụ nữ bán dâm, thúc đẩy tiếng nói của họ và giúp họ tránh bị bạo lực, bị xâm phạm các quyền con người cơ bản, thúc đẩy vai trò của các cơ quan chức năng (điển hình là Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội), kết nối dịch vụ hỗ trợ phụ nữ bán dâm, nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi tích cực của các cơ quan chức năng như công an, chính quyền địa phương và các đơn vị cung dịch vụ đối với phụ nữ bán dâm.
Qua 3 năm triển khai các hoạt động của dự án như phát triển mô hình Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ, nâng cao năng lực cho nhóm điều hành, thành viên Câu lạc bộ, vận hành Câu lạc bộ hỗ trợ người bán dâm, kết nối các dịch vụ, xây dựng tài liệu quy trình làm việc với phụ nữ bán dâm, tập huấn chuyên đề, hội thảo đánh giá chính sách hiện tại và nhu cầu hỗ trợ hay tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực vận động, xây dựng chính sách trên cơ sở quan điểm tiếp cận mới (dựa trên quyền), tổ chức các cuộc đối thoại chính sách ở cấp cơ sở, thay đổi cách thức làm việc của các Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội từ việc xử lý hành chính sang hỗ trợ xã hội.
Một mô hình thực hiện ở TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Internet) |
Từ các hoạt động của dự án và kết quả đạt được đã làm rõ hơn quan điểm tiếp cận đối với vấn đề mại dâm ở Việt Nam, cụ thể, mại dâm cần nhìn nhận là vấn đề xã hội, để giải quyết vấn đề mại dâm nên sử dụng các biện pháp, giải pháp mang tính xã hội. Người bán dâm trong quá trình hoạt động gặp rất nhiều vấn đề như bạo lực trên cơ sở giới, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Kỳ thị là một trong các rào cản khiến các quyền cơ bản của người bán dâm chưa được đảm bảo. Sự đảm bảo về thể chế (bao gồm hệ thống pháp luật, các cơ quan thực thi pháp luật); sự đồng thuận, tôn trọng hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ và nhóm người bán dâm là các yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ xã hội.
Mô hình tổ chức, hoạt động của “Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ”, trong khuôn khổ dự án, đã thực sự bảo vệ, giúp đỡ và đại diện cho những người bán dâm để đối thoại với các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo các quyền của người bán dâm. Năng lực, sự nhiệt tình của thành viên Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thành viên, tuyên truyền, vận động và cung cấp các kỹ năng để mỗi thành viên tự ý thức về quyền, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ ứng xử.
Các chính sách, dịch vụ hỗ trợ được thử nghiệm trong khuôn khổ dự án, trong đó, hỗ trợ pháp lý là một trong các dịch vụ hết sức cần thiết, phù hợp với nhu cầu của người bán dâm; tuy nhiên cần được thực hiện với một quy trình, cách thức thực hiện phù hợp. Phòng, chống bạo lực cần được nhìn nhận trên bình diện Giới không phụ thuộc vào hành vi vi phạm pháp luật (hành vi bán dâm). Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối các dịch vụ hỗ trợ, tạo sự đồng thuận của các cơ quan chức năng trong địa bàn, bảo trợ cho hoạt động của các Câu lạc bộ.
Thực tiễn triển khai cho thấy, việc nhân rộng mô hình dự án đang gặp phải một số thách thức như: V iệc tổ chức các Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ chỉ phù hợp với khu vực tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ (nơi có nhiều người bán dâm hoạt động), khó hình thành, nhân rộng các tỉnh khác. Sự kỳ thị của cộng đồng và bản thân những người bán dâm làm cho họ không muốn lộ diện, không muốn tham gia các Câu lạc bộ. Sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ quan chức năng ở các địa phương chưa thực hiện dự án không đồng nhất. Kinh phí bố trí hàng năm cho công tác phòng, chống mại dâm các tỉnh, thành phố chưa nhiều, khó khăn trong việc ưu tiên kinh phí cho thí điểm các mô hình.
Để giải quyết khó khăn đó, vấn đề đảm bảo quyền, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ bán dâm được đưa vào thí điểm trong Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016- 2020 (Quyết định 361/QĐ-TTg ngày 07/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Các chính sách, dịch vụ thí điểm trong mô hình được đảm bảo về nguồn lực thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 trong Dự án phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bán dâm thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016- 2020 (Quyết định 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ).
Việc thí điểm mô hình về đảm bảo quyền và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội của người bán dâm là một trong các ưu tiên trong chỉ đạo điều hành của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội giai đoạn 2017 – 2020.