Giải mã vụ va chạm tiểu hành tinh với trái đất khiến khủng long tuyệt chủng
Các nhà khoa học tiết lộ tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất xưa kia khiến khủng long tuyệt chủng đã rơi trúng vào góc độ nguy hiểm nhất.
Bí ẩn về sự tuyệt chủng của khủng long là một trong những mối quan tâm của nhiều thế hệ nhà khoa học. Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra trong đó hai giả thuyết lớn mà cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới khoa học đó là việc núi lửa hoạt động mạnh nhiều trong thời gian đó và vụ va chạm tiểu hành tinh khổng lồ với Trái Đất đã dẫn đến khủng long tuyệt chủng.
Mới đây, các nhà khoa học người Anh đưa ra thêm bằng chứng chứng minh nguyên nhân khủng long tuyệt chủng do một tiểu hành tinh đâm vào Trái đất.
Giải mã vụ va chạm tiểu hành tinh khiến khủng long tuyệt chủng |
Theo tờ FN, các nhà khoa học Anh thực hiện mô phỏng mới cho thấy tiểu hành tinh có kích thước lớn hơn núi Everest đã đâm vào Trái Đất ỏ góc khoảng 60 độ, giúp tối đa hóa lượng khí đẩy vào bầu khí quyển gây ra thảm kịch.
Vụ va chạm xưa kia có khả năng giải phóng hàng tỷ tấn lưu huỳnh, ngăn chặn ánh sáng từ mặt trời và gây ra hiện tượng mùa đông hạt nhân trên khắp hành tinh dẫn đến việc giết chết khủng long và khoảng 75% sự sống khác trên hành tinh này cách đây 66 triệu năm.
Gareth Collins, tác giả nghiên cứu, chuyên gia thuộc khoa nghiên cứu Trái Đất, Đại học hoàng gia London, cho biết: "Đối với khủng long, những gì đã xảy ra là trường hợp xấu nhất. Cuộc tấn công của tiểu hành tinh đã phóng ra một lượng lớn khí làm biến đổi khí hậu nghiêm trọng và gây ra một chuỗi các sự kiện dẫn đến sự tuyệt chủng loài khủng long. Trên thực tế, vụ va chạm rơi vào góc gây ra thảm họa nguy hiểm nhất".
Những cuộc nghiên cứu trước đây đã đề xuất đến sự xuất hiện của tảng đá khổng lồ đâm vào bán đảo Yucatan, Mexico góc khoảng 30 độ, trong khi một vài nghiên cứu chỉ ra góc gần 90 độ.
Các nhà khoa học tin rằng nếu cách tiếp cận của tiểu hành tinh nông hơn hoặc dốc hơn thì sự tàn phá của nó sẽ ít lan rộng.
Gareth Collins chia sẻ: "Mô phỏng của chúng tôi cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng tiểu hành tinh đâm vào một góc dốc, khoảng 60 độ so với đường chân trời và tiếp cận mục tiêu từ phía đông bắc".
Gareth Collins và nhóm cộng sự tin rằng đây là một trong những trường hợp xấu nhất gây ra tính sát thương cao sau vụ va chạm vì nó tạo ra nhiều mảnh vụn nguy hiểm hơn vào bầu khí quyển và phân tán khắp nơi, góp phần tạo ra hiện tượng mùa đông hạt nhân.
Vụ va chạm đã để lại trên Trái Đất một miệng núi lửa rộng 193 km, đồng thời gửi các luồng khí lưu huỳnh và carbon dioxide vào bầu trời thời tiền sử. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Hoàng Dung (lược dịch)
Độc đáo 'máy bán hàng tự động' làm bằng giấy ở Nhật Bản
Một văn phòng ở Nhật bản vô cùng sáng tạo khi tạo ra máy bán hàng tự động làm từ giấy bìa cứng.