Giá trị giao thương Trung – Triều rơi xuống mức thấp kỷ lục
Giá trị giao thương Trung – Triều trong 6 tháng đầu năm nay đã rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Hoạt động giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã rơi xuống mức thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, chính quyền Bình Nhưỡng đang tìm mọi cách giải quyết tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, theo số liệu được hải quan Trung Quốc công bố hôm 18/7, hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm 85,2% so với năm ngoái xuống còn 56,77 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay.
Giá trị giao thương Trung – Triều trong 6 tháng đầu năm 2021 rơi xuống mức thấp kỷ lục. (Ảnh: Reuters) |
Đây là con số thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cho công bố số liệu về giá trị thương mại với Triều Tiên từ năm 2001.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu số hàng hóa của Triều Tiên có tổng trị giá 8,96 triệu USD, giảm 67,3% so với năm trước.
Giá trị giao thương giữa hai nước giảm mạnh, sau khi Triều Tiên tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới vào tháng Sáu do lo ngại sự lây lan nhanh chóng của các biến thể virus corona đang hoành hành trên toàn thế giới.
Chính quyền Bình Nhưỡng cũng đang cố gắng giải quyết tình trạng thiếu lương thực và kinh tế bất ổn do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết cực đoan.
Điển hình, trong tháng Sáu, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố lĩnh vực nông nghiệp của quốc gia đã không đạt được năng suất theo kế hoạch, do ảnh hưởng của mưa bão hồi năm ngoái. Ông Kim nhấn mạnh, tình hình lương thực của Triều Tiên đang “ngày càng căng thẳng”.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (LHQ) dự báo Triều Tiên có thể bị thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay và “mùa giáp hạt” ở Triều Tiên có thể sẽ bắt đầu từ đầu tháng Tám.
Lâu nay, Triều Tiên phụ thuộc lớn vào hoạt động thương mại với Trung Quốc để mua lương thực, phân bón và nhiên liệu. Tuy nhiên, dù là quốc gia thân thiết với Trung Quốc, nhưng Triều Tiên đã nhanh chóng cho phong tỏa các đường biên giới sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc vào tháng 1/2020. Cho tới nay, Triều Tiên vẫn thi hành các biện pháp kiểm soát biên giới gắt gao để ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 xuất hiện trong nước.
Nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký kết hiệp ược quốc phòng giữa Trung – Triều mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “Trung Quốc quyết tâm ủng hộ sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân Triều Tiên”.
Trong tháng Sáu, Trung Quốc đã xuất khẩu sang Triều Tiên số hàng hóa có tổng giá trị 12,32 triệu USD, cao gần gấp 6 lần so với con số 2,71 triệu USD vào tháng Năm. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 86% so với năm ngoái.
Hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ Triều Tiên vào Trung Quốc cũng đã giảm 80% xuống còn 1,82 triệu USD vào tháng Sáu. Song con số này vẫn cao hơn gấp đôi so với 750.000 USD trong tháng Năm.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên đã liên tục sụt giảm suốt 16 tháng qua. Giao thương giữa hai nước chỉ khởi sắc vào tháng Tư, thời điểm hai nước xóa bỏ một số hạn chế đi lại ở vùng biên giới.
Các nhà quan sát ở Trung Quốc nhận định, do tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều vẫn đang dậm chân tại chỗ, đồng nghĩa với việc các lệnh cấm của LHQ vẫn được thi hành nên đã hạn chế hoạt động giao thương của Trung Quốc với Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, một số hoạt động thương mại song phương Trung – Triều sẽ được khôi phục, nhưng không thể đạt được con số như trước khi có lệnh trừng phạt.
Triều Tiên lần đầu tài trợ 300.000 USD cho quốc gia nào?
Là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng lần đầu tiên sau 16 năm, Triều Tiên đã chuyển 300.000 USD cho Liên Hợp Quốc để hỗ trợ Myanmar.
Minh Thu (lược dịch)