Giá thịt lợn tăng cao, Dabaco công bố lãi khủng trong mùa dịch Covid-19
Theo đó, kết thúc quý 1/2020, toàn Tập đoàn đạt doanh thu 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng. So cùng kỳ, quý đầu năm 2020 lợi nhuận DBC cao gấp 17 lần (quý 1/2019 chỉ đạt 20 tỷ).
Do hạn chế về thông tin nên nhiều khả năng hầu hết tăng trưởng đột biến về lợi nhuận đến từ mảng chăn nuôi lợn với việc gia tăng sản lượng cùng với việc giá lợn hơi từ đầu năm đến nay luôn neo ở mức cao, trên 70.000VND/kg, so với mức bình quân cùng kỳ năm ngoái là tầm 48.000VND/kg.
Theo ước tính, kết hợp với việc sản lượng tăng trưởng 5% so với cùng kỳ, việc giá lợn duy trì ở mức trên 70.000VND/kg đã giúp tăng thêm 200 tỷ lợi nhuận ở mảng chăn nuôi và chế biến thực phẩm so với mức lợi nhuận gộp 17 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của DBC trong năm 2020 sẽ ít bị ảnh hưởng, do các mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến tiêu dùng thiết yếu.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, sau khi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã đồng ý giảm về mức 70.000VND/kg, mặt bằng giá lợn hơi kỳ vọng sẽ giảm dần và giữ ổn định mức 55.000-60.000VND sau quý 2/2020 nhờ việc sản lượng trong nước dần hồi phục và nhờ tái đàn cùng một phần sản lượng thịt nhập khẩu.
Giá lợn hơi trong nước về ngắn hạn sẽ vẫn được hỗ trợ bởi tổng đàn đang trong giai đoạn hồi phục có kế hoạch, không gặp phải hiện trưởng tăng đàn ồ ạt, thiếu quy hoạch trước đó do lo ngại dịch tả lợn châu Phi vẫn còn và ảnh hưởng từ thịt nhập khẩu là hạn chế do xu hướng giá thịt lợn nhập khẩu đang tăng khá mạnh và xu hướng sử dụng thịt nhập khẩu đông lạnh trước mắt vẫn còn hạn chế tại các hộ gia đình.
Theo đánh giá của ban Tổng giám đốc DBC, mặc dù quý 1/2020 là dịp Tết Nguyên đán và đối mặt với dịch Covid-19, nhưng Tập đoàn cũng hoàn thành và đưa vào hoạt động một số dự án như Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi gà giống và Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước, đặc biệt là Nhà máy dầu thực vật Dabaco đã đạt 80-90% công suất chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động, đóng góp một phần đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận chung của Tập đoàn.
Tập đoàn cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh.
Theo đó, tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn đều là những cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như thực phẩm (trứng gà, dầu ăn, thịt lợn, thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt…) và các hoạt động tạo nguồn cung thực phẩm như cung cấp thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm con giống và con thịt…
Ban Tổng giám đốc chỉ đạo từng đơn vị phải tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho người lao động và khách hàng, tổ chức đo thân nhiệt, ghi nhật ký ra vào và khai báo đầy đủ thông tin…, quyết tâm đảm bảo an toàn và không để bất cứ người lao động nào mắc bệnh. Người đứng đầu mỗi đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động và tổ chức hoạt động SXKD ổn định tại đơn vị mình.