Gia tăng tỉ lệ hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử
Đó là một trong các chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bên lề Triển lãm quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam trên môi trường số – Virtual Vietnam Foodexpo 2021.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dẫn nguồn từ báo cáo của iPrice cho thấy, trong số các mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, hàng Việt chỉ chiếm khoảng chưa đến 20%.
Gia tăng tỉ lệ hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử. |
Cụ thể, năm 2020, trong số 1.200 mặt hàng được tìm mua nhiều nhất trên các sàn thương mại điện tử (cả Việt nam và nước ngoài), sản phẩm mang thương hiệu Việt chiếm 20%. Đáng buồn hơn, 6 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ này không những không tăng mà còn suy giảm, khi tụt xuống chỉ còn 14% trong số các mặt hàng bán chạy.
Đứng trước thực tế này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết đã giao các Cục, Vụ liên quan cần có nghiên cứu cụ thể để đề ra các giải pháp để nâng cao tỉ lệ hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử. Trong nghiên cứu phải chỉ ra được đâu là nguyên nhân như: Khó khăn trong thanh toán, Khó khăn trong cung ứng/ giao vận hàng hóa; Hàng Việt chưa đủ sức cạnh tranh hay Hàng Việt không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại cần nghiên cứu cách thức bán hàng của các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Ebay, Amazon, Alibaba… xem tỉ lệ hàng Việt trên đó ra sao, sự khác nhau giữa kênh phân phối của các sàn, lí do gì nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế bán hàng Việt rất tốt, giá cao trong khi các sàn trong nước lại thất thế ngay chính trên sân nhà.
Đặc biệt, ông Hải cũng nhấn mạnh đến luồng ý kiến cho rằng, lý do khiến hàng Việt "lép vế" trên các sàn thương mại điện tử không phải là do chất lượng hàng hóa kém hay do người tiêu dùng "quay lưng", mà là do các doanh nghiệp Việt chưa "mặn mà" với việc bán hàng trên các "chợ mạng". Nếu đúng như vậy, Bộ Công Thương sẽ xúc tiến thêm các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm lên các sàn thương mại trong thời gian tới.
Nam Phương