Giá nhà tăng vọt, dấu hiệu bong bóng, không còn căn hộ giá dưới 40 triệu/m2
Từ năm 2018 đến nay giá nhà ở TP.HCM tăng khoảng 30%. Lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là sự tăng giá cực kỳ đột biến và nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ở TP.HCM.
Nếu cứ tăng giá, nửa năm nữa TP.HCM sẽ không có nhà ở bình dân cho người nghèo. (Ảnh minh họa) |
Số liệu từ báo cáo quý 3 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tổng lượng sản phẩm nhà ở được bán trên toàn thị trường TP.HCM trong quý 3 vừa qua đạt 12.530 sản phẩm, trong đó chủ yếu là căn hộ chung cư. Đáng chú ý, số lượng giao dịch là 9.408 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ tương đương 75,1%.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, đây là con số quá ấn tượng khi thị trường ở thời điểm thị trường chung chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Gần 2 năm nay, ở TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt, chỉ có dự án đã được xem xét, có chủ trương từ trước thì hoàn thành nhỏ giọt các hoạt động cấp phép xây dựng, đủ điều kiện bán hàng. Các dự án ở TP.HCM cứ nhỏ giọt phát triển, tuy nhiên do áp lực từ lực cầu, thu hồi vốn nên hầu như các dự án đều phải chạy trước, bán trước khi đủ điều kiện bằng các hình thức như đặt cọc giữ chỗ, ký quỹ ngân hàng... Chính vì thế, mặc dù con số giao dịch lớn nhưng phần lớn trong số đó gần như được giao dịch từ trước và đến khi đủ điều kiện bán hàng thì mới công bố chính thức ra thị trường”, ông Đính nói.
Theo lãnh đạo Hội Môi giới, hàng tồn còn lại rất ít, lượng chung cư ở TP.HCM hiếm, rất khó tìm, chỉ còn lại những dự án đắt tiền có giá từ 70-80 triệu đồng/m2 trở lên, mức giá này vẫn tiêu thụ được nhưng chậm, riêng nhà ở bình dân gần như không còn.
“Giá nhà ở TP.HCM chỉ có thể đánh giá được ở phân khúc trung cấp bởi lẽ giá nhà ở bình dân không còn, phân khúc cao cấp thì có sự chênh lệch giá quá lớn. Chúng tôi xác định phân khúc cao cấp có mức giá từ 45 triệu đồng/m2 nhưng hiện giá chung cư cao cấp ở TP.HCM thấp nhất cũng 60-70 triệu đồng/m2, có phân khúc chênh lệch quá lớn lên đến vài trăm triệu đồng/m2 nên chúng tôi không thể so sánh giá ở phân khúc cao cấp”, ông Đính cho hay.
Nói thêm về phân khúc trung cấp, ông Đính đưa số liệu về giá từ thời điểm quý 4/2018 đang ở ngưỡng 30 triệu đồng/m2, sang quý 4/2019 giá bắt đầu vượt lên ngưỡng 35 triệu đồng/m2, và sang quý 3/2020 thì phân khúc chung cư trung cấp cũng dần dần mất đi, giá đẩy dần lên phân khúc cao cấp.
“Nếu theo xu hướng này thì chỉ khoảng nửa năm nữa, TP.HCM sẽ không còn nhà ở phân khúc trung cấp, phân khúc bình dân cũng mất rồi thì thành phố này sẽ chỉ còn nhà ở cho người giàu và không có nhà ở cho người nghèo nữa. Giá nhà ở TP.HCM hiện do khan hiếm nên đang bị đẩy lên mặt bằng giá mới, nhiều dự án khi bắt đầu ra hàng đã thiết lập giá mới”, ông Đính nói.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới dẫn chứng, hiện tại thị trường TP.HCM có khoảng 10 dự án đang bán, giá giao dịch thấp nhất là 41 triệu đồng/m2; có dự án ở quận 9 - là quận rất xa trung tâm thành phố khi bắt đầu chào bán cũng thiết lập mức giá 50 triệu đồng/m2.
Thậm chí, có dự án trước đây khi chào hàng lần đầu vào năm 2019 để nghiên cứu thị trường họ xác định giá chỉ 20 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ họ đang bán giá từ 37- 40 triệu đồng/m2.
Trước thực tế này, ông Đính cho rằng, thị trường nhà ở tại TP.HCM đang định hình một mặt bằng giá mới cực kỳ nguy hiểm cho người mua nhà, nhất là những người khó khăn về nhà ở sẽ rất khó tiếp cận được.
“Nếu giá nhà cứ theo xu hướng này và nguồn cung khan hiếm thì chắc chắn thị trường nhà ở TP.HCM sẽ rơi vào tình trạng 'bong bóng' giá, ảo về giá. Từ năm 2018 đến nay giá nhà ở TP.HCM tăng khoảng 30%, còn nếu so sánh từ năm 2019 đến nay thì giá nhà đã tăng khoảng 15-20%. Đây là sự tăng giá cực kỳ đột biến và nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ở TP.HCM”, ông Đính nói thêm.
Minh Thư
Giá nhà đất vẫn cao
Dù thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 nhưng giá nhà đất vẫn ở mức cao, không giảm mạnh như nhiều người nghĩ.