Gia Lai: Nhiều thành tích nổi bật trong 10 năm xây dựng nông thôn mới
Một góc thành phố PleiKu - Ảnh Minh Đức. |
Năm 2011, tỉnh Gia Lai đối mặt với muôn vàn khó khăn khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo 27,56%, trong đó gần 90% hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số; thu nhập bình quân trên đầu người ở nhóm thấp của cả nước; kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu ở mức nghiêm trọng.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai đã kêu gọi, huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Sau 10 năm, toàn tỉnh đã huy động được gần 33.000 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí, hợp phần xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên bố trí trên 52% tổng nguồn vốn để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và bố trí gần 30% tổng nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở.
Do vậy, đời sống nhân dân và bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm giảm 14,67% so với năm 2011, hiện chỉ còn gần 13%; 71/184 xã đã đạt tiêu chí về hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đến hết năm 2019 đạt khoảng 49,78 triệu đồng.
Gia Lai có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 45%, vì thế tỉnh đã có những cách làm riêng, sáng tạo, thể hiện rõ nét là Chỉ thị 12 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã làm thay đổi một cách chân thực về đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con; bộ mặt của các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang một diện mạo mới, sức sống mới. Đến nay, đã có 14 làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn làng nông thôn mới và phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm 69 thôn, làng đạt chuẩn.
Sau 10 năm thực hiện nông thôn mới, toàn tỉnh có 2 đơn vị đạt 100% số xã chuẩn nông thôn mới là TP. PleiKu và thị xã An Khê. Trong đó, TP. PleiKu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hai huyện Kbang và Đăk Pơ đang nỗ lực để trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 58/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2019, có thêm 14 xã đạt chuẩn; đồng thời, có 4 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Dự kiến đến cuối năm 2019, bình quân tiêu chí đạt được trên 1 xã là 14,24 tiêu chí, và đến cuối năm 2020 sẽ đạt 15,14 tiêu chí. Với những kết quả đó, tỉnh Gia Lai đã hoàn thành đạt và vượt cả 3 chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao trước 1 năm. Đây là cơ sở để Gia Lai tiếp tục thực hiện chương trình trong giai đoạn tới.
Trao đổi với PV, Ông Trần Văn Văn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Gia Lai cho biết: “Nông thôn mới là quá trình có điểm khởi đầu nhưng có điểm kết thúc. Vì thế, khi đạt được các tiêu chí nông thôn mới thì vẫn phải có kế hoạch cụ thể để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, không thỏa mãn với kết quả đạt được ngày hôm nay mà ta phải nâng cao hơn nữa”.
Sau 10 năm thực hiện nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật. Diện mạo nông thôn được khởi sắc, kinh tế phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đó là động lực để các cấp, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua những khó khăn để đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, “để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, các đoàn thể cần coi việc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đồng thời khuyến khích phát triển các ý tưởng mới để cho ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Tiến tới xây dựng vùng nông thôn thành “Miền quê đáng sống”, xanh, sạch, đẹp, có nhiều mô hình du lịch nông thôn (gồm cả du lịch nông nghiệp, homestay, du lịch văn hóa, sinh thái,…)”.