Mẹ đảm khéo tay trổ tài tạo hình bánh sinh động như đồ vật thật
Nhìn những chiếc bánh có tạo hình món ăn, đồ vật trông chẳng khác gì "phiên bản gốc", ai nấy đều xuýt xoa trước sự khéo tay của người mẹ 35 tuổi này.
Cũng trải qua tuổi thơ nhiều cung bậc cảm xúc như bao người khác, chị Linh Lê (35 tuổi, ở Hà Nội) luôn nhớ về quãng thời gian thuở nhỏ được chơi đùa với đất sét không biết chán là gì.
Chị hài hước kể: “Hồi còn nhỏ, mỗi lần bố cho về quê là lại khệ nệ bê theo một túi đất sét. Bố không xách hộ vì ông bảo, muốn thì con phải tự mang về. Có đất sét, ăn cơm xong là 7h tối hì hụi ngoài sân nhào nước, trộn đất, tạo hình các kiểu. Có hôm làm đất nhão, nặn xong sản phẩm con vịt mà bố khen "Con khủng long rất có hồn".
Khi lớn dần, bận học rồi lao đầu vào công việc, chị chẳng còn thú vui nặn đất sét ngày bé nữa. Nhưng rồi duyên số đưa đẩy, một ngày đẹp trời, chị lại bắt tay vào sáng tạo, nặn bánh từ nguyên liệu trang trí bánh ngọt là gumpaste và fondant.
Mẹ đảm khéo tay, trổ tài nặn bánh đẹp như thật khiến nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ. |
Vốn có chút khéo tay, lại được làm quen với việc nặn, tạo khối từ đất sét từ trước nên không khó để chị Linh bắt đầu "bộ môn nghệ thuật" mới.
"Mình bắt đầu nặn bánh từ gần cuối năm 2018. Ban đầu mình chọn chất liệu kem whipping (kem sữa tươi) vì ăn ngon và tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, chất liệu này hơi khó để ứng dụng nặn nên mình tìm hiểu và chuyển sang dùng đường fondant. Khí hậu miền Bắc nóng ẩm nên khi nặn bằng nguyên liệu này thì thành phẩm dễ tan khi đặt lên trên kem whipping", chị Linh chia sẻ.
Hai lần thất bại, chị Linh quyết định nghiên cứu kĩ càng hơn và cuối cùng đưa đường gumpaste vào thử nghiệm. Chị bảo, chất liệu này chịu ẩm tốt hơn đường fondant.
"Lúc mới đầu nặn, mình tham khảo trên mạng để xem cách làm cơ bản các bộ phận và ghép thành hình. Sau đó, mình có học thêm một khóa học ngắn ngày trong Sài Gòn để hiểu cách giải phẫu cơ thể và đắp các bộ phận sao cho tạo thành hình 3D sống động".
Ứng dụng những kiến thức học hỏi được vào thực hành, chị Linh dần đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Mỗi lần có ý tưởng, chị lại bắt tay vào triển khai ngay. Chị thường mất khoảng 30 phút đến 3 tiếng đồng hồ cho việc nặn bánh, tùy thuộc vào độ khó của hình.
"Mình có nhiều ý tưởng nhưng chủ yếu nặn hình đồ ăn hoặc con vật thôi. Trước khi nặn, mình sẽ lên mạng xem hình ảnh cho ý tưởng đó, phân tích từng thành phần, nguyên liệu rồi làm chi tiết lần lượt từng thứ. Sau đó kết hợp lại, sắp xếp trên bánh sao cho hài hòa, đẹp mắt", chị Linh tâm sự.
Sau khi hoàn thiện những chiếc bánh với muôn hình độc đáo do mình tự nặn, chị Linh lại chụp ảnh và chia sẻ lên trang cá nhân. Nhiều người thấy ấn tượng với bánh chị làm nên đặt ngay cho những dịp quan trọng. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà chị Linh sẽ lên ý tưởng phù hợp và trang trí bánh.
Nhìn những thành phẩm độc đáo dưới bàn tay khéo léo của chị Linh, ai nấy đều thích thú và xuýt xoa, dành nhiều lời khen ngợi.
Chị vẫn cười và bảo, chẳng ai nghĩ thú vui thuở nhỏ lại là cơ duyên đưa chị đến với công việc làm bánh đầy sáng tạo này. Nhưng nhờ thế, chị có cơ hội được thỏa mãn đam mê mà vẫn mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Mai Phương
Ảnh: NVCC