Sugar Daddy - Sugar Baby: 'Con nuôi' thỏa mãn vật chất nhưng dễ hứng chịu thiệt thòi
PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng việc hình thành dịch vụ “Sugar Daddy - Sugar Baby” tạo ra một bộ phận giới trẻ thích "việc nhẹ lương cao", thích nhiều tiền nhưng lại lười lao động.
Nhóm bạn trẻ thích nhiều tiền nhưng lại lười lao động
Chuyên gia tâm lý - giáo dục PGS. TS Trần Thành Nam (giảng viên trường ĐHQG Hà Nội) cho rằng, hiện tượng “Sugar Daddy - Sugar Baby” khá phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt ở những nước có chi phí đào tạo sau đại học cao. Vì ở nước ngoài, sinh viên thường sẽ ra ngoài sống tự lập, phải vay tiền để học. Các nữ sinh tìm kiếm nguồn hỗ trợ học phí trong khi gia đình không chu cấp.
“Các bạn tham gia dịch vụ này sẽ có cách nhìn khác so với công chúng. Có thể họ chỉ cho rằng đây là quan hệ thân mật khi ở những nước phát triển cũng có hiện tượng “cô đơn trong đám đông”.
Đó là những người có quyền, có tiền nhưng không kết nối với ai, sợ nói với ai cũng phản lại mình, họ cô đơn nên cần những dịch vụ như thế. Và những trung tâm làm dịch vụ này thường quảng cáo không có vấn đề tình dục trong hẹn hò”, PGS. TS Trần Thành Nam cho biết.
Thực tế những ông bố nuôi này đều lớn tuổi, đã có gia đình, muốn gặp các cô gái trẻ kiếm tìm sự thân mật, thấu hiểu, có người tìm kiếm tình dục ngoài luồng nhưng đòi hỏi đối tác có trình độ cao.
Họ không muốn quan hệ với gái mại dâm mà cần đối tác có học thức. Các “con gái nuôi” ban đầu cũng nghĩ rằng mình không phải gái mại dâm, mà họ được trả tiền để mang lại sự thoải mái, để lắng nghe tâm sự của các “bố nuôi” này mà thôi. Nếu có tình dục tức là đến sau quá trình trò chuyện cảm thấy hợp nhau. Các cô gái cho rằng đó là sự tự nguyện chứ không phải mua bán.
“Nhưng thực chất mối quan hệ này là mua bán, đổi chác. Đối với Việt Nam, đây là nguy cơ nhưng đáng lo ngại là chúng ta chưa có luật để xử lý sự việc này”, PGS. TS Trần Thành Nam nói.
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, hoạt động này tạo ra cho một bộ phận giới trẻ thích việc nhẹ lương cao, thích nhiều tiền nhưng lại lười lao động.
Việc hẹn hò như vậy không có hợp đồng, cũng chẳng có cơ sở pháp lý. Các em chỉ được chào mời, được hứa hẹn là đi chơi cùng để trò chuyện, tâm sự nhưng nếu bị lạm dụng tình dục thì ai sẽ bảo vệ các em?
Trong mối quan hệ Sugar Daddy - Sugar Baby, không thể loại trừ các tình huống như "bố nuôi" rủ thêm vài "bố nuôi" khác quan hệ tập thể, hoặc một "con nuôi" có tới vài ba ông "bố nuôi"...
Chưa kể, những “bố nuôi” này đều đã có gia đình, liệu các “con nuôi” có được yên khi vợ/con của những “bố nuôi” này biết chuyện? Thậm chí trong một số mối quan hệ có thể dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh truyền nhiễm đường tình dục…
“Nếu xảy ra những tình huống như thế, liệu các em có dám chia sẻ điều này ra không để mà được bảo vệ? Trong mối quan hệ này, không ai khác mà chính những cô con nuôi chịu thiệt thòi hơn”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Xét về mặt xã hội, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, các dịch vụ như thế này sẽ làm hỏng tư tưởng của lớp trẻ khi quan niệm chỉ cần làm đẹp, độn ngực, độn mông, gọt cằm rồi làm việc này mà không có ý định trau dồi, bồi đắp chất xám, tri thức cho bản thân.
“Sugar Daddy - Sugar Baby”: Các “con nuôi” chịu sự thiệt thòi nhất. |
“Sugar Daddy - Sugar Baby” là hình thức mại dâm trá hình?
Đồng tình với quan điểm trên, TS Vũ Thu Hương (Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cảm thấy “sốc” khi đọc những tin nhắn tìm "bố nuôi" của các cô gái lứa tuổi 2000, bởi các em là tương lai của đất nước, được học hành, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển.
“So với các thế hệ trước thì thế hệ 2000 đầy đủ nhất về mọi thứ. Thế nhưng những gì một số em thể hiện dường như phụ lòng mọi sự quan tâm từ xã hội đến gia đình, trong đó có bố mẹ các em. Các em bỏ qua những giá trị tốt đẹp nhất để tìm đến những điều kinh khủng nhất”, TS Vũ Thu Hương nói.
TS Vũ Thu Hương cho rằng, các bạn gái trẻ không phát triển đạo đức mà tìm kiếm những giá trị vật chất tầm thường từ chính việc kinh doanh cơ thể mình là một sự khủng hoảng.
Thật đáng buồn khi đặc trưng của các bạn gái này lại phần lớn là sinh viên, có trình độ học thức. Đáng lẽ các bạn cần tích luỹ kiến thức học ở trường để lao động, làm việc, cống hiến trong tương lai thì các bạn lại tìm kiếm sự nhàn hạ thoả mãn quyền lợi thông qua công việc mà cả xã hội lên án.
“Đây là hành vi kinh doanh thân xác phụ nữ, chẳng khác nào hình thức mại dâm trá hình.
Các bạn được đào tạo bài bản, các bạn có tay chân, có đầu óc, thì các bạn có thể tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm, các cơ hội làm thêm bằng nhiều cách khác nhau nhưng đây là cách khủng khiếp nhất, lười biếng nhất và vô đạo đức nhất", TS Vũ Thu Hương nhận định.
Những tin nhắn tìm "Sugar Daddy" của cô gái tự xưng sinh năm 2000 khiến bao phụ huynh bàng hoàng. |
TS Vũ Thu Hương cho biết con gái mình cũng sinh năm 2000. Với tư cách là một phụ huynh, theo lẽ thường bà cũng rất kỳ vọng vào các con. Nhưng khi đọc những dòng tin này, bản thân bà cảm thấy tan vỡ, thấy môi trường quanh con quá nhiều điều độc hại.
Rất chia sẻ với những bà mẹ đau khổ khi bỗng một ngày phát hiện ra con mình là một trong số các “con nuôi” cho một hoặc nhiều “bố nuôi”.
“Trong tình huống này, trước hết, bố mẹ cần tự vấn lương tâm đã làm gì sai trong quá trình nuôi con, phải chăng đã cho con quá quen với sự sung sướng dẫn đến nhu cầu vật chất quá cao, khi con không thoả mãn với điều kiện bố mẹ trao cho thì phải đi làm những việc khủng khiếp như thế để kiếm tiền.
Bố mẹ cũng cần xem lại quá trình nuôi dạy con cái đã cân bằng được 3 mục tiêu của giáo dục là kiến thức- kỹ năng- đạo đức. Nếu bản thân cha mẹ không bình tĩnh được khi phát hiện ra con làm việc tày trời này thì có nói với con cũng chỉ là những cơn thịnh nộ, những lời chửi bới, nhiếc móc mà thôi.
Do đó, trong hoàn cảnh này, tốt nhất các bậc phụ huynh nên tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý để trợ giúp chính bản thân mình, đồng thời tìm ra hướng đi tốt nhất để kéo con trở lại cuộc sống bình thường”, TS Vũ Thu Hương bày tỏ.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 nêu rõ:
- Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
- Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
“Như vậy mua dâm, bán dâm đều là hành vi giao cấu với người khác, người mua dâm là người trả tiền để được giao cấu và người bán dâm là người nhận tiền để thực hiện hành vi giao cấu.
Những mối quan “daddy – babby” này thực chất lại là sự trao đổi tiền lấy quan hệ xác thịt, mối quan hệ này không khác gì một hình thức mại dâm bởi một bên trả tiền, một bên trả lại bằng tình dục.
Trên thực tế, giữa bố nuôi và con nuôi tìm đến với nhau không chỉ vì tình dục mà còn cả về thân thiết tình cảm gắn bó, sống chung với nhau... Vì vậy nếu có chứng minh xác định việc trao đổi vật chất giữa hai phía thì có thể xác định đây là hành vi bán dâm, mua dâm”, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích.
Theo đó, quy định của pháp luật hiện hành chỉ rõ hành vi mua dâm, bán dâm đều bị xử lí.
Về hành chính: Căn cứ theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình, cả người mua dâm và người bán dâm đều bị xử phạt tiền.
Về hình sự: Trường hợp, mua dâm với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 329 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
"1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mua dâm người dưới 18 tuổi trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm...."
Trường hợp người nào mua dâm, bán dâm với người dưới 13 tuổi sẽ bị truy tố về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo điều 142 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đối với những người kết nối cho các mối quan hệ "bố nuôi - con nuôi", Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho biết, tại Khoản 7 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 có quy định: Môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.
Theo những gì đang diễn ra trên các nhóm kín, với những cô gái muốn sự kín đáo, họ thường tìm Sugar Daddy thông qua một 'tú ông' hoặc 'tú bà' nào đó thông qua mạng xã hội. Ở đó, người môi giới sẽ đăng hình ảnh các Sugar Babby đang cần tìm 'bố nuôi' trên các nhóm kín. Người nào muốn đặt mối quan hệ với các cô gái đó thì cần đặt cọc trước và thông qua môi giới để liên hệ với các cô gái cần 'nuôi'.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng người môi giới trong trường hợp này là người môi giới mại dâm, nếu đủ căn cứ chứng minh, những người này sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 328 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Theo quan điểm của tôi, để xử lí những đối tượng trên cần phải sự vào cuộc của cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan ban ngành các cấp cùng thực hiện. Bởi vì vấn đề trên không chỉ là hành vi trái với quy định của pháp luật mà còn là hành vi suy đồi đạo đức, văn hóa, đi ngược lại truyền thống của dân tộc ta”, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng bày tỏ.
Tuy nhiên, việc xử lí những người trên là tương đối khó khăn vì hầu hết các trang môi giới, "bố nuôi", "con nuôi" đều sử dụng những tài khoản ảo, hầu như không quen biết nhau. Chúng ta cũng chưa có tiền lệ nào về việc xử lí những hành vi trên. Ngoài ra, còn phải tính đến yếu tố đạo đức, danh dự nhân phẩm của những người trong cuộc.
Huyền Anh
Bố mẹ trẻ khỏe sống lù lù mà con gái lên mạng tìm "sugar daddy" nhắn tin mùi mẫn
Đọc tin trên báo, tôi cứ nghĩ chuyện xảy ra ở đâu đấy, không ngờ lại rơi trúng con gái mình. Sao vợ chồng tôi còn sống lù lù, nuôi nó học đại học mà nó còn lên mạng tìm "bố nuôi" (sugar daddy) chu cấp vài triệu mỗi tháng?