Ghé thăm tiệm sách lâu đời nhất ở "phố sách Đinh Lễ" Hà Nội
Từ bán sách vỉa hè đến căn nhà ở gác 2 trong hẻm
Năm 1990, sau khi về hưu, với đồng lương ít ỏi cùng gánh nặng chăm sóc con nhỏ, ông Lê Luy quyết định đạp xe khắp nơi để bán bánh kẹo. Ngay sau đấy, bà Mão chấp nhận nghỉ hưu không lương tại tổng công ty phát hành sách. Với kinh nghiệm chọn sách và các mối quan hệ trong nghề, ông bà mượn hàng xóm chiếc xe đẩy rồi sau đó bắt đầu bán sách dạo bên tháp Hòa Phong. Về sau, ông bà được ngồi bán sách trên vỉa hè sát bờ tường Bưu điện Hà Nội. Với một chiếc bàn đơn sơ chỉ đủ để bày hai chục quyển sách, nhưng góc bán sách của vợ chồng ông Lưu vẫn thu hút nhiều khách nên có khi ngay trong ngày bà Mão đã phải đi nhập thêm sách về bán.
Sau 3 năm tích góp, ông bà mua được căn gác hai tại ngôi nhà số 5 Đinh Lễ của một vị giáo sư đại học và tiếp tục công việc bán sách tại đây. Vốn đã có nhiều khách quen, người này lại giới thiệu người kia khiến cho tiệm sách nhỏ này buôn bán ngày càng thuận lợi, trở thành địa điểm đáng tin cậy của nhiều người yêu sách. Dần dần, nhiều người thấy vậy cũng mang chiếu đến bán sách ngày càng đông, biến Đinh Lễ trở thành phố sách đêm nhộn nhịp nhất Hà Nội. Khoảng 2000 – 2001, Hà Nội mở chiến dịch dẹp phố sách đêm vỉa hè. Người kinh doanh vì thế buộc phải thuê cửa hàng để tiếp tục bán sách. Phố sách Đinh Lễ ra đời từ đó.
Ông Lê Luy 74 tuổi vẫn ngày ngày mở cửa hiệu sách đón những người yêu sách đến đọc |
Những gian phòng luôn chất đầy những cuốn sách… |
…và cả những người đọc sách. |
Và bước ngoặt với cuốn sách trị giá 500 cây vàng
Xuất phát từ cái tâm của những người yêu sách chân thành và mong mỏi mang được những cuốn sách hay, sách tốt tới cho độc giả Việt nên không ít lần ông bà Luy quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn về cả tài chính và địa lý để thực hiện hóa lý tưởng của mình. Hơn 20 năm nay, ông bà đã thực hiện biên dịch và xuất bản được hơn 500 đầu sách, trong đó có cả cũng những cuốn dù biết là chắc là không mang lại lợi nhuận nhưng vì giá trị tri thức, văn hóa của nó nên ông bà vẫn quyết làm. Ông Luy kể lại lúc ấy ông bà còn phải mượn xe của hàng xóm để sang Trung Quốc mua sách, tìm người phiên dịch để mang về Việt Nam bán.
Trong số hơn 500 đầu sách nói trên, cuốn sách “Alamach – Những nền văn minh thế giới” là một kho tàng trí tuệ lớn về nhiều mặt. Ở thời điểm bấy giờ, không có nhà xuất bản nào dám nhận in vì sự đồ sộ và giá thành quá cao của cuốn sách. Chỉ có ông bà đã dám vay 10 cây vàng – tương đương với 35 triệu thời điểm bấy giờ để xin cấp giấy phép phát hành và đặt in. Từ năm 1995 đến năm 2000, cuốn sách đã được in và bán hơn 22 nghìn cuốn, đem lại lợi nhuận khổng lồ giúp ông bà mở rộng thêm tiệm sách.
"Nhưng vợ chồng tôi thực sự tâm đắc với nó, thấy rằng đây là một cuốn sách quý nên cuối cùng, chúng tôi vẫn xuất bản". – Ông Lê Luy chia sẻ |
Không giống cuốn “Alamach – Những nền văn minh thế giới”, nhiều đầu sách ông bà nhận xuất bản không phải vì giá trị kinh tế mà chỉ vì nhìn ra đấy là một cuốn sách hay, nhiều giá trị tri thức. Ông Luy kể lại: “Ông bà đã đắn đo rất nhiều khi quyết định xuất bản cuốn Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa, ông bà biết chắc chắn sẽ lỗ, có ít người mua nhưng ông thật sự tâm đắc với nó vì đây là một cuốn sách quý.”
Ngay cả gian phòng ở của ông Luy cũng chất đầy những cuốn sách. |
Sự vắng bóng của “nữ thành hoàng” phố sách sau 30 năm tận tụy
Tháng 5/2017, nhiều người yêu sách vô cùng bàng hoàng, tiếc thương khi biết tin bà Mão ra đi. Tiệm sách tại số 5 Đinh Lễ đã thiếu đi một người cống hiến gần 41 năm cuộc đời cho những quyển sách, cho những người yêu sách và ông Lưu từ ấy cũng thiếu đi người đồng hành tuyệt vời. Ông Luy chia sẻ với chúng tôi bài thơ “Em ra đi” ông viết tặng người bạn đời của mình . Đây cũng là một trong những tác phẩm ông dự định cho vào cuốn sách “Từ không đến có” do chính ông biên tập, trong đó bao gồm những bài thơ của ông viết và cả những câu chuyện mà hai vợ chồng đã cùng nhau trải qua trong suốt hành trình đem lại tri thức cho đời.
Cuốn sách “Từ không thành có” sắp được ông Luy xuất bản. |
Từ đầu năm nay, ông đang cho tu sửa hiệu sách, sắp xếp, phân loại các đầu sách giúp cho việc tra cứu, tìm sách trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, ông đang chuẩn bị một gian nhà để dành riêng cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến học tập. Đối với những trường hợp này, ông Luy còn gần như cho không nhiều cuốn sách. Dù bị bệnh Parkinson cộng với tuổi đã cao, nhưng “ông vua sách” tận tụy này vẫn mở cửa tiệm sách đều đặn từ 9 giờ sáng tới 15 giờ chiều để phục vụ bạn đọc. Sự vắng bóng của “nữ thành hoàng” phố sách chắc chắn là một sự hụt hẫng rất lớn trong lòng người ở lại, nhưng điều đáng quý nhất, khiến người yêu sách thủ đô trân trọng nhất chính là Hiệu sách bà Mão vẫn mở cửa mỗi ngày và lý tưởng của hai ông bà vẫn được tiếp tục thực hiện dù chỉ còn ông Luy ở đó.
Ảnh cưới của bà Phạm Thị Mão và ông Lê Luy được ông cất giữ cẩn thận. |
Hiệu sách nằm sâu trong ngõ nhưng vẫn có nhiều người tìm đến vì kho sách phong phú hay muốn tìm những loại sách cũ |