Gặp người đàn ông cả thập kỷ chăm sóc chim bồ câu trong Công viên Biển Đông, lễ Tết cũng không nghỉ
Coi chim như người thân nên lễ Tết hay ốm đau, ông Lê Minh Hải (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cũng không dám nghỉ ngơi bởi đàn chim bồ câu hơn 1.000 con luôn chờ ông.
Đối với người dân thành phố biển Đà Nẵng, có lẽ không mấy ai còn xa lạ với hình ảnh người đàn ông nhỏ thó, cần mẫn mỗi ngày đều đặn 2 lần cho đàn chim ăn ở Công viên Biển Đông.
Ông Lê Minh Hải - người có 12 năm chăm sóc chim bồ câu ở công viên Biển Đông. |
Sau tiếng còi “tuýt, tuýt” của ông, lũ chim bồ câu bay lượn rợp cả khoảng trời, tạo nên cảnh tượng vô cùng đẹp mắt. Chúng sà xuống sân, vây quanh ông rồi thi nhau nhặt thức ăn.
Đàn bồ câu bay lượn rợp một khoảng trời rồi sà xuống xung quanh ông Hải |
Ông là Lê Minh Hải (sinh năm 1966) là nhân viên Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. 12 năm nhận nhiệm vụ chăm sóc và huấn luyện chim bồ câu ở Công viên Biển Đông, ông Hải coi chim như là người thân của mình.
Vườn chim hoà bình ở Công viên Biển Đông được hình thành từ năm 2009. |
Hiện nay, cả đàn chim có tới hàng nghìn con. |
Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 6h sáng, ông Lê minh Hải chạy xe máy hơn 10km từ nhà ở quận Liên Chiểu sang Công viên Biển Đông (cuối đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà). Ông lần lượt kiểm tra đàn chim xem có con nào bị tấn công, ốm đau, mất trộm hay không rồi vệ sinh, quét dọn, pha thuốc, lấy nước cho chim uống, cho chim ăn.
Ông Hải vệ sinh bể nước uống của chim. |
Xong việc, ông trở về nhà nghỉ ngơi.
14h, ông lại có mặt để chăm sóc, cho chim ăn. Đến 17h, khi hoàn tất các công việc, đàn chim về tổ an toàn thì ông mới trở về nhà.
“Trừ khi ốm đau, gia đình có việc quan trọng quá thì tôi mới xin nghỉ. Còn ngày Tết hay ngày lễ thứ Bảy, Chủ nhật, tôi vẫn đi làm. Mồng 1 Tết, tôi cho chim ăn rồi tranh thủ về thăm quê ở Quảng Nam một lúc, chiều lại quay về để kịp cho chim ăn”, ông nói.
Những con chim bị ốm, đau được ông nhốt vào chuồng riêng để chăm sóc, theo dõi. |
Những chú chim này sẽ được thả về đàn khi đã hồi phục. |
Ông Hải cho biết, giờ ăn của chim được ông cố định vào nhiều năm nay. Buổi sáng lúc 7h30 và buổi chiều lúc 16h. Việc này đã tạo thói quen cho chim, đồng thời đảm bảo cho chim có sức khỏe tốt.
Đàn chim bồ câu được ông nuôi dưỡng từ 400 con, có lúc lên tới 1.500 con. Tuy nhiên, cách đây vài năm, mưa bão làm hư hỏng chuồng khiến đàn chim bay dạt vào trong thành phố. Đến nay, đàn chim còn 1.070 con.
Cũng bởi sự biến động của đàn chim mà việc huấn luyện chim xếp hình, xếp chữ bị ngắt quãng.
Ngoài ra, đàn chim hiện nay cận huyết nên sinh sản kém. Để phát triển đàn chim, ông Hải đã đề xuất ban quản lý mua thêm đàn chim giống thuần chủng để lai tạo.
Thức ăn của chim bồ câu gồm có lúa, đậu xanh. Theo ông Hải, việc trộn thức ăn như vậy giúp chim bồ câu mắn đẻ hơn. |
Kể về những khó khăn trong việc chăm sóc đàn chim bồ câu, ông Hải tâm sự, chim bồ câu rất dễ bị bệnh nên phải cẩn thận chăm sóc.
Trong quá trình cho chim ăn, ông luôn quan sát từng con xem chúng có gì bất thường không qua cách ăn, dáng đi, màu sắc phân… Nhờ có chuyên môn ngành thú y nên ông tự tay cứu chữa cho chim khi mắc bệnh.
Những con chim bị ốm hoặc không may bị gãy chân, ông đưa về chuồng nhốt riêng, chăm sóc, đợi đến khi hồi phục mới thả về đàn.
Ông Hải ngày ngày tỉ mẩn với việc chăm sóc hàng nghìn con chim bồ câu trong Công viên Biển Đông. |
Gắn bó 12 năm với đàn chim, ông Hải tâm sự, ông rất yêu thích công việc này. Dù công việc lặp đi lặp lại nhưng mỗi lần cho ăn, ngắm đàn chim sà xuống chân, vây quanh, ông cảm thấy rất vui, hạnh phúc và cảm thấy tự hào vì góp một phần nhỏ mang lại vẻ đẹp cho thành phố du lịch.
Em bé thích thú chơi cùng đàn chim bồ câu. |
Công viên Biển Đông là điểm đến thu hút đông đảo người dân, du khách ở Đà Nẵng. |
Chim bồ câu thân thiện là một điểm thu hút du khách tại công viên. |
“Có lẽ, chỉ trừ khi sức khoẻ kém, không đủ điều kiện để chăm sóc đàn chim thì tôi mới xin nghỉ, bởi đối với tôi chúng như người thân của mình”, ông Hải bộc bạch.
Diệu Thuỳ