Khám phá bộ cổ vật gia bảo độc đáo
Một người đàn ông ở Khánh Hòa sở hữu nhiều cổ vật độc đáo, hiếm có; trong đó có pho tượng Phật đổi màu theo thời tiết, điêu khắc hổ phách ngàn năm được cho là từ Cung đình Huế.
Ông Huỳnh Hữu Lộc (ngụ xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được giới chuyên sưu tầm cổ vật đánh giá đang sở hữu nhiều tác phẩm cổ, độc đáo. Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, chúng tôi tìm đến tư gia ông Lộc để chiêm ngưỡng những cổ vật được cho là độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Cổ vật gia bảo
Khu trưng bày cổ vật của ông Lộc là một nhà rường Huế đang được trùng tu. Chính giữa gian nhà là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bọc kính hết sức trang trọng. Ông Lộc cho biết pho tượng Phật này là một báu vật, đặc biệt quý hiếm. Tượng có tên đầy đủ là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nguyên thể - Phật giáo Mật tông - hệ Kim Cang thừa. có chiều cao 52cm, đường kính trung bình 17cm, nặng 9kg, có thần thái, hoa văn theo phong cách Đôn Hoàng đời nhà Đường ở Trung Quốc, với tay trái An úy ấn, tay phải Hộ thân ấn.
Chính giữa gian nhà là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bọc kính hết sức trang trọng.
Tượng có tên đầy đủ là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nguyên thể - Phật giáo Mật tông - hệ Kim Cang thừa.
Điểm đặc biệt của bức tượng được là đúc bằng đồng và có khả năng đổi màu sắc tùy thuộc vào thời tiết. Trời vừa bắt đầu sáng, tượng từ màu đen chuyển sang màu xanh đen rồi đến màu xanh xám. Đến giữa trưa, khi nhiệt độ cao thì tượng chuyển màu vàng nhạt, xanh tím với gương mặt tượng Bồ tát hơi trầm tư. Khi trời đứng bóng đến xế chiều, tượng Bồ tát chuyển sang màu cánh gián rồi dân chuyển qua màu đỏ tím, màu lông chuột và gương mặt rất vui tươi, khỏe khoắn. Khi đêm đến, tượng Bồ tát chuyển sang màu xanh đen rồi màu đen, mang gương mặt trở lại trầm tư.
Bức tượng có khả năng đổi màu theo thời tiết, nhiệt độ. (Ảnh: Hữu Lộc)
Ngoài bức tượng này, ông Lộc còn có hàng chục cổ vật khác. Đáng chú ý là một tác phẩm điêu khắc bằng hổ phách hết sức độc đáo gọi là Tùng Hạc hổ phách ngàn năm. Theo ông Lộc, đây là khối hổ phách cực kỳ quý hiếm, khi soi đèn vào sẽ nổi lên màu đỏ au rất đẹp.
Tác phẩm điêu khắc bằng đá hổ phách hết sức độc đáo gọi là Tùng Hạc hổ phách ngàn năm.
Tác phẩm được chế tác rất công phu vì khối hổ phách này có các nu, vân rất đẹp giống như cây tùng ngàn năm tuổi.
Khi soi đèn vào khối hổ phách sẽ nổi lên màu đỏ au rất đẹp.
Khối hổ phách này được các nghệ nhân điêu khắc ở Huế chế tác rất công phu vì khối hổ phách này có các nu, vân rất đẹp giống như cây tùng ngàn năm tuổi. "Qua quá trình sưu tầm, tôi có cái duyên khi một dòng họ ở Huế đồng ý trao lại món cổ vật Tùng Hạc hổ phách ngàn năm để tôi lưu giữ. Món cổ vật này có từ thời vua Khải Định. Việc sưu tầm cũng lắm công phu vì những vật gia truyền như vậy thường không dễ thuyết phục. Người trao lại cũng muốn vật chọn được người có tâm huyết"- ông Lộc cho biết.
Ngoài ra, ông Lộc cũng có một tượng Phật Quan Thế âm Bồ Tát bằng khối hổ phách vàng rất độc đáo mà ông gọi là Ngọc phách mẹ Quan âm. Khối hổ phát này khá nhỏ nhưng nặng khoảng 75kg, mỗi lần di chuyển phải có 2 người hỗ trợ. Ông Lộc cũng giới thiệu hàng chục pho tượng cổ quy hiếm. Trong đó, có bộ 3 tượng gọi là Tam Thế Phật được cho là có từ đời nhà Trần với độ tuổi hơn 500 năm.
Tượng Phật Quan Thế âm Bồ Tát bằng khối hổ phách vàng rất độc đáo nặng 75kg.
Bộ 3 tượng gọi là Tam Thế Phật được cho là có từ đời nhà Trần với độ tuổi hơn 500 năm.
Theo lời ông Lộc, vì cha ông trước đây làm ở Cung đình Huế nên có duyên sưu tầm được các cổ vật.
Theo lời ông Lộc kể lại, cha ông là Huỳnh Minh (người Huế) thường xuyên làm việc ở cung Diên Thọ (Cung đình Huế). Biến cố lịch sử, cả gia đình rời Huế về Nha Trang sinh sống. Năm 2012, trước lúc mất, cha ông Lộc cho gọi con cháu lại và giao cho ông toàn bộ di sản bao gồm pho tượng "Quan Thế Âm Bồ Tát nguyên thể - Phật giáo Mật tông - hệ Kim Cang thừa" này và một cái lư hương cũng bằng đồng mà ông gọi là báu vật, kèm lời khuyên nhủ hãy gìn giữ như một nguồn tài sản quý giá không thể so sánh với vàng hay đồng đen.
"Tôi sưu tầm những cổ vật này với niềm đam mê và muốn lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc. Nhiều người ở Mỹ, Pháp biết đến tìm mua nhưng tôi nhất định không bán. Không để những cổ vật này đi ra nước ngoài được"- ông Lộc nói.
Quý hiếm
Để tìm hiểu thêm về giá trị cũng như nguồn gốc của các pho tương này, thời gian qua, anh Lộc đã mời một số nhà nghiên cứu văn hóa trong nước đến thăm và họ cho nhận xét, đánh giá sơ bộ ban đầu.
Một nghệ nhân làm nghề đúc đồng nổi tiếng ở Hà Nội đã xem và cho rằng pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát có khả năng đổi màu có nguồn gốc hơn 200 năm và được chế tác dưới chất liệu đồng đổi màu, diện đổi sắc, đây là chất liệu đã thất truyền từ lâu. Do đó, pho tượng vô cùng quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Hai tác phẩm hổ phách ngàn năm mà ông Lộc sưu tầm được nhờ duyên.
Cũng theo anh Lộc, Thượng tọa Thích Từ Nghiêm - Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng, một chuyên gia sưu tầm và đang lưu giữ, phụng thờ 200 pho tượng cổ ở chùa Phổ Đà (Đà Nẵng) - sau khi xem qua pho tượng cho rằng những tượng Phật đúc bằng đồng quý như thế này chỉ có ở trong cung vua chúa, do đó rất có khả năng pho tượng này được thờ trong kinh thành Huế, ở thời kỳ nhà Nguyễn.
Ông Lê Văn Hoa, Phó giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc ông Lộc sưu tầm nhiều cổ vật quý giá đã có tiếng ở Khánh Hòa. Ông cũng như một số chuyên gia, cán bộ bảo tàng tỉnh đã ghé thăm và tìm hiểu. Tuy nhiên, đây là tài sản của cá nhân nên phía Sở chưa có cơ sở tiếp cận, đánh giá mang tính chất khách quan. Việc nghiên cứu khoa học về các cổ vật nói trên cần nhiều chuyên gia, kiến thức.
Theo nld.com.vn