Gặp chuyện bức xúc, tôi cũng "trồi lên" mạng xã hội cà khịa
Facebook là công cụ nói hộ lòng tôi, nhiều khi cũng hữu ích đấy.
Thậm chí cái like tôi cũng chẳng buồn “thả”. Nên dù không “hiện hình” thì tôi vẫn biết rõ cuộc sống mọi người xung quanh thế nào, xã hội đang thay đổi ra sao. Chỉ thế thôi! Ngoài ra tôi không có nhu cầu chia sẻ tâm sự cho cả thế giới đọc.
Nhưng điều đó không có nghĩa tôi hoàn toàn “tàng hình”. Thi thoảng gặp chuyện gì bức xúc ngoài đời thật không thể giải quyết, tôi “trồi” lên, thả mấy dòng cà khịa rồi chờ đồng minh vào góp tiếng nói giúp tôi.
Dĩ nhiên là người bị tôi nói gần xa có kết bạn Facebook và họ chắc chắn đọc được. Cách làm này của tôi khá hiệu quả vì tuy tôi chẳng nói ai nhưng lại là nói rất đúng người.
Nhớ có thời gian, ông hàng xóm cứ canh sáng sớm là thả chó phóng uế trước cửa nhà tôi. Nếu họ chịu dọn dẹp thì tôi đã không mệt mỏi, đằng này họ cứ để nguyên đó và khi tôi mở cửa thì hình ảnh, mùi khai hôi xộc thẳng vào mặt.
Vì là hàng xóm lại đáng tuổi cha chú nên chỉ dám nhỏ nhẹ góp ý. Nhưng cũng vì quá nhỏ nhẹ mà lời nói của tôi cũng theo gió bay, ông hàng xóm đó chẳng hề bận tâm và không chút thay đổi.
Có việc gì thật cần thiết, tôi mới "trồi" lên trên Facebook, bình thường tôi thích "lặn" - Ảnh minh họa |
Nhưng tôi cũng không chịu để mình thiệt thòi như vậy, do có kết bạn với chú nuôi chó nên tôi lên Facebook viết rất dễ thương: “Mọi người ơi có cách nào để chó không ị bậy trước nhà mình không?”.
Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng với cộng đồng mạng thì đây lại là vấn đề lớn. Rất nhanh có hàng trăm like, icon phẫn nộ thả vào status đó của tôi. Và cũng rất nhiều câu còm không trả lời thắc mắc mà chủ yếu vào chửi chủ chó.
Dường như tất cả đều từng gặp phải tình cảnh này nên rất bức xúc. Người nhẹ nhàng thì trách chủ chó vô trách nhiệm, người hằn học hơn thì viết những câu từ nặng nề chợ búa.
Tôi đọc hết, không trả lời nhưng bấm like tất cả các câu “còm”. Vì vậy dù hàng xóm có đọc được thì cũng không tìm được lý do gì làm khó dễ tôi.
Nói thì nói vậy nhưng sáng hôm sau, vừa mở cửa tôi đã nghe từ phía nhà đó vọng lại “những câu hát” chói tai. Cả hai cô chú ấy cùng đồng thanh bài yêu chó và mắng xối xả những con người không yêu động vật. Họ nói rất hay chỉ là quên mất phần phải thu dọn “chiến trường” của thú cưng mình trước cửa nhà hàng xóm.
Sau hôm đó, may mắn là cả con hẻm không còn những bãi phóng uế, cả xóm sạch sẽ hẳn. Tôi lại trở về “con tàu lặn” của mình không trồi lên Facebook cà khịa nữa.
Trang cá nhân là thế giới riêng của mỗi người, trên đó họ đều có quyền nêu ý kiến cá nhân, nói lên cảm xúc, tính cách con người thật của mình. Chỉ khác nhau là cách thể hiện như thế nào, có khéo léo không hay quá khoa trương khiến người khác khó chịu.
Với những chủ đề hot trên mạng, nhiều lúc tôi cũng muốn nhảy vào tham gia nói lên chính kiến. Nhưng sau đó lại nghĩ, làm thế để làm gì? Tranh cãi thắng thua để được gì? Khoe bản thân hay chê ai đó cũng chẳng làm mình tốt hơn nhưng xấu đi thì có. Vậy nên cứ lẳng lặng theo dõi bạn bè rồi thi thoảng thả lên mạng vài câu bâng quơ vô thưởng vô phạt để cuộc đời bình yên.
Mỹ Trinh
Trang Trần bị hỏi khịa: "Hay chửi bậy trên mạng xã hội, chị không sợ con học theo?"
'Ăn thua là cái đầu của mình, bố mẹ dạy con mình điều gì', Trang Trần chia sẻ.
Theo www.phunuonline.com.vn