Gắn sản xuất với tiêu thụ nông nghiệp trên quy mô cánh đồng lớn
Ảnh minh họa |
Nếu như trước đây, nông nghiệp chủ yếu phát triển theo hướng "mạnh ai người nấy làm" thì nay xu hướng liên kết sản xuất lại đang chiếm ưu thế và là hướng đi tất yếu, giúp nông nghiệp phát triển vững chắc và hiệu quả. Thực tế đã minh chứng, liên kết sản xuất giúp người nông dân đứng vững hơn trên chính mảnh ruộng của mình. Bởi nếu tồn tại riêng lẻ, sản phẩm nông nghiệp của người nông dân sẽ khó cạnh tranh giữa nền nông nghiệp chuyển từ tự cung tự cấp sang nông nghiệp hàng hóa hiện nay.
Hiện nay, nông dân vùng Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST) đã xây dựng và phát triển liên kết gắn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên quy mô cánh đồng lớn, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường; đồng thời, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống sản xuất của người dân.
Một trong những điển hình của mô hình này là Hợp tác xã Nông sản Mỹ Hương 1. Được thành lập vào tháng 6/2017, Hợp tác xã Nông sản Mỹ Hương 1 hoạt động với mục tiêu chính là liên kết sản xuất giữa các xã viên, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá… và được UBND xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) giao cho quản lý 6 trạm bơm để phục vụ việc tưới tiêu cho hơn 545 ha diện tích cánh đồng mẫu lớn. Từ đó, Hợp tác xã Nông sản Mỹ Hương 1 đã tạo việc làm, góp phần làm tăng thu nhập cho bà con thông qua các hoạt động như: Cung ứng vật tư nông nghiệp; làm dịch vụ nông nghiệp; thu mua, bao tiêu sản phẩm; góp vốn hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh…
Ông Nguyễn Xuân Quế - Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Mỹ Hương 1 cho biết, 3 tháng sau khi thành lập, hợp tác xã đã chính thức đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm các dịch vụ, cho đến nay đã ổn định và làm ăn có hiệu quả. Hợp tác xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu lúa với giá bán ổn định. Ngoài thực hiện liên kết sản xuất 545 ha diện tích cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã còn tham gia liên kết sản xuất với một số địa phương lân cận với diện tích khoảng 300 ha.
Theo ông Quế, hợp tác xã hoạt động được thuận lợi cũng nhờ sự quan tâm sâu sắc của chính quyền từ cơ sở đến tỉnh; đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ nông nghiệp cho hợp tác xã… Trong năm 2019, hợp tác xã phấn đấu đưa toàn bộ vùng dự án vào sản xuất cánh đồng mẫu lớn với giống lúa cao sản; cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm; phát triển các dịch vụ hiện có; đầu tư thêm 2 máy gặt đập liên hợp và 2 máy cấy để làm dịch vụ...
Cùng với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật canh tác mới cho nông dân, từng bước giảm chi phí sản xuất lúa hàng hóa, tăng lợi nhuận và mang tính bền vững, Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Sóc Trăng (VnSAT-ST) đang đẩy nhanh tiến độ các gói thầu tiểu dự án hỗ trợ hạ tầng và trang thiết bị cho các hợp tác xã, tổ chức nông dân tại vùng dự án.
Theo kế hoạch của Ban Quản lý Dự án VnSAT-ST sẽ đầu tư cho 20 hợp tác xã, tổ chức nông dân trồng lúa trong tỉnh, mỗi tổ chức từ 8 đến 10 tỉ đồng, bao gồm nhiều hạng mục, như: nhà kho, làm đường, thiết bị máy móc… để người dân sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững.
Trong năm 2018 - 2019, Dự án VnSAT-ST đã chọn ra 10 hợp tác xã đủ điều kiện đầu tư, trong đó có 5 hợp tác xã được đầu tư đợt 1 là: HTX Nông nghiệp Phước An, xã Phú Tân (Châu Thành); HTX Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành (Kế Sách); HTX Nông sản Mỹ Hương, xã Mỹ Hương (Mỹ Tú); HTX Nông nghiệp Kiết Lập B, xã Lâm Tân và HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị).
Bên cạnh đó, dự án còn tiếp tục thực hiện công tác đào tạo về quản lý và phát triển cho các thành viên hội đồng quản trị của hợp tác xã; hỗ trợ thành viên trong sản xuất, giảm tổn thất trong các khâu thu hoạch, sau thu hoạch; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng dự án sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn có liên kết sản xuất và tiêu thụ theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản theo hợp đồng…
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ tập huấn vận hành và bảo trì máy móc; đào tạo kỹ thuật luân canh cây trồng, tận dụng phụ phẩm từ lúa gạo, nhân giống xác nhận.