Gần 8 nghìn xã đạt tiêu chí số 7 về xây dựng nông thôn mới
Trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 97,2% (tăng 80,86% so với năm 2010 và 18,62% so với năm 2015); Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 87,6% (tăng 75,48% so với năm 2010 và 23,03% so với năm 2015); Đông Nam Bộ đạt 90,3% (tăng 69,62% so với năm 2010 và 21,44% so với năm 2015).
Đến nay, cả nước có 7.867 xã đạt Tiêu chí số 7 về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn |
Các tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, gồm: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.
Theo Bộ Công Thương, những năm qua, số lượng chợ xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp tiếp tục tăng với sự đa dạng về loại hình và cấp độ chợ (chợ đầu mối nông sản tại các địa phương; chợ chuyên doanh; chợ đầu mối bán buôn một hoặc một số mặt hàng nhất định; chợ hoa-sinh vật cảnh; chợ văn hóa-du lịch; chợ ẩm thực…).
Trong tổng số chợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, số chợ đạt hiệu quả chiếm khoảng 97%. Tính chung trên các địa bàn, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm 35%-40%, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của dân.
Tổng số người buôn bán tại các chợ khoảng trên 2 triệu người. Riêng các chợ ở khu vực nông thôn, số lượng người buôn bán thường xuyên, cố định chiếm khoảng 47%, còn lại là người bán hàng không thường xuyên (bao gồm cả những người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm tự sản xuất).
Bộ Công Thương cho biết, để thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều quy hoạch quan trọng.
Về phía địa phương, đến nay, hầu hết các tỉnh/thành phố đã có quy hoạch phát triển chợ, một số tỉnh/thành phố đã có quy hoạch siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng xăng dầu,… có khoảng 35 tỉnh/thành phố đã ban hành các quy định về: quy trình đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ; quy trình chuyển đổi hình thức tổ chức quản lý kinh doanh chợ trên địa bàn.
Mạng lưới chợ phát triển theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương, từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các hình thức hạ tầng bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại nhưng vẫn duy trì được cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại, với lưu lượng hàng hóa bình quân chiếm từ 35-40% (qua hệ thống phân phối hiện đại bình quân từ 22-25%).
Trong giai đoạn vừa qua, các chợ ở các xã thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn các tỉnh/thành phố chủ yếu được đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới từ nguồn ngân sách của địa phương và nguồn vốn xã hội hóa, không có vốn từ nguồn ngân sách Trung ương.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi. Việc đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ và địa bàn nông thôn chưa có đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (do quy mô nhỏ, sinh lợi ít...).
Ngân sách của địa phương còn hạn chế nhưng nhiều tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và dành ngân sách xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn nói chung và địa bàn nông thôn nói riêng, như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Tiền Giang, Trà Vinh…, các tỉnh/thành phố tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa như: Tuyên Quang, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận, Gia Lai, Bình Phước, Cần Thơ, Kiên Giang...