Gần 2.000 người về từ các tỉnh miền Nam với 22 trường hợp mắc Covid-19, Hà Nội liệu có bùng dịch?
Đến sáng 19/10, đã có 1872 người từ các tỉnh miền Nam về Hà Nội, trong đó phát hiện 22 trường hợp dương tính. Hà Nội liệu có nguy cơ bùng dịch?
Phố Đình Ngang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thực hiện cách ly y tế vì xuất hiện ca F0 từ TP Hồ Chí Minh trở về (Ảnh TTXVN) |
Mặc dù hiện Hà Nội đang đạt tiêu chí cấp độ một (nguy cơ thấp, bình thường mới), tuy nhiên, nhận định của các chuyên gia dịch tễ - nguy cơ dịch tại Thủ đô vẫn rất cao trong bối cảnh hiện nay.
Trên thực tế, những ngày vừa qua, số F0 được phát hiện tại Hà Nội là người về từ vùng có dịch có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, ngày 16/10, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp F0 trở về từ TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh.
Ngày 17/10, Hà Nội tiếp tục phát hiện 5 người trở về từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương dương tính SARS-CoV-2. Tương tự, ngày 18/10, tiếp tục có thêm 3 trường hợp F0 về từ các vùng có dịch.
Đáng chú ý, một F0 là cô gái 27 tuổi từ TPHCM về Hà Nội bằng ô tô, đã đi đến nhiều nơi trong thành phố và tiếp xúc với nhiều người. Qua điều tra, truy vết cơ quan chức năng xác định có 9 F1.
Trong khi đó, tại một số địa phương sát với Hà Nội như Phú Thọ, Hà Nam dịch cũng diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, liên tiếp những ngày gần đây Hà Nội ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới về từ các vùng có nguy cơ cao là điều tất nhiên. Bởi lẽ một số địa phương khu vực phía Nam dịch đã lây nhiễm rất sâu trong cộng đồng cũng như số người nhiễm vẫn còn cao.
Có thể ở trong đó, họ chưa phát hiện ra hoặc ra ngoài này mới xuống sân bay không phát hiện ra nhưng sau một vài ngày thì dương tính.
“Đó là chuyện bình thường vì nằm trong khoảng thời gian ủ bệnh của vi rút. Do đó phải hết sức cảnh giác, đặc biệt là y tế cơ sở, tổ Covid-19 cộng đồng cần theo dõi kịp thời. Với những người trở về từ vùng có nguy cơ cao khi có dấu hiệu ho, sốt… phải được theo dõi kịp thời, xét nghiệm ngay.
Quan trọng thứ hai đối với chính những cá nhân vừa trở về từ những vùng nguy cơ cao là phải thực hiện việc 5K. Hiện Hà Nội yêu cầu nhóm đối tượng này phải theo dõi sức khoẻ tại nhà, hạn chế không tiếp xúc với bên ngoài. Tránh hiện tượng đã xảy ra về từ TP Hồ Chí Minh sau đó lại đi làm đầu, đi ăn phở…khiến cả một con phố phải thực hiện phong toả, nhiều người phải đi cách ly tập trung”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Ông cho rằng mỗi cá nhân cần nghiêm túc thực hiện các quy định, điều này thể hiện ý thức cá nhân mỗi người vừa để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân đồng thời cho gia đình, cộng đồng.
“Những trường hợp cố tình vi phạm để xảy ra lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ được xử phạt theo quy định của pháp luật”, PGS. TS Trần Đắc Phu cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, việc dịch vẫn diễn biến phức tạp ở một số tỉnh thành, đặc biệt là khu vực giáp ranh sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội. Do đó, đây là thời điểm chính quyền và người dân Thủ đô cần cảnh giác, nâng cao ý thức tự phòng ngừa để giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua.
Theo chuyên gia này, nền tảng cốt lõi để kiểm soát dịch trong trạng thái bình thường mới chính là ý thức tự bảo vệ của người dân. Những người về từ các tỉnh thành khác cần phải chấp hành nghiêm các quy định về tự theo dõi sức khỏe tại nhà, đặc biệt là các khuyến cáo về 5K, hạn chế tụ tập, tiếp xúc và không được đến những nơi đông người trong tuần đầu khi mới trở về.
Về phía chính quyền, thay vì nâng mức độ cách ly thì cần tăng cường các biện pháp giám sát người về từ vùng có nguy cơ, nâng cao vai trò của cấp cơ sở. Với những trường hợp vi phạm các khuyến cáo an toàn, cần xử phạt nặng.
Mặc dù thành phố cũng gia tăng số F0 về từ các tỉnh có dịch nhưng theo PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội không cần thiết phải "siết" quy định cách ly với những người từ bên ngoài vào so với quy định hiện hành.
Bởi theo chuyên gia này, trạng thái bình thường mới là chung sống an toàn với dịch, chứ không phải là triệt tiêu hoàn toàn dịch bệnh. Việc nâng mức độ cách ly với những người về từ các tỉnh thành khác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại cũng như các hoạt động kinh tế và xa rời mục tiêu chung sống với Covid-19 mà Chính phủ đã đặt ra.
Liên quan đến vấn đề này, Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, tính đến 6h00 sáng nay, 19/10, trên địa bàn thành phố đã có 1872 người về từ các tỉnh miền Nam.
Các trường hợp đi về đã được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, người về từ thành phố Hồ Chí Minh (15), Đồng Nai (4), Bình Dương (2), Tây Ninh (1). Phân bố theo quận, huyện: Hà Đông (4), Thanh Xuân (3), Chương Mỹ (03), Mê Linh (02), Mỹ Đức (02), Đống Đa (02), Hoàng Mai (02), Hoàn Kiếm (02), Phúc Thọ (01), Phú Xuyên (01).
Phân bố theo phương tiện di chuyển: người đi bằng ô tô (15), người đi máy bay (06), người đi xe máy (01).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo, người dân về từ các tỉnh, thành có dịch cần tuân thủ nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về Hà Nội; luôn thực hiện thông điệp 5K; khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Trường hợp người bệnh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
N. Huyền