FLC: Bamboo Airway nhắm đến các đường bay "tỉnh lẻ"
Ảnh minh họa. |
Tháng 6 sẽ trình đề án thành lập Bamboo Airways
Tập đoàn FLC vừa đưa ra thông cáo trả lời xung quanh thông tin thành lập hãng hàng không Bamboo Airways do tập đoàn này nắm 100% vốn điều lệ.
Theo đó, trước phản hồi của Cục hàng không về việc chưa nhận được đề xuất thành lập hãng hàng không từ Tre Việt ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hàng không Tre Việt cho biết: "FLC đang tiến hành những bước cuối cùng để hoàn thiện đề án thành lập Hãng hàng không Bamboo Airways, mà việc thành lập công ty sở hữu Bamboo Airways là Công ty TNHH Hàng không Tre Việt chỉ là một phần trong khối lượng công việc đó".
Đại diện FLC cho hay, dự kiến trong tháng 6 này, FLC sẽ đệ trình lên Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) để xin phê duyệt việc thành lập hãng này.
Tổng giám đốc Đặng Tất Thắng cũng cho biết kỳ vọng đến cuối năm 2018, Bamboo Airways sẽ bắt đầu khai thác bay thương mại, đưa du khách quốc tế tới thẳng các điểm du lịch của Việt Nam như Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc...
FLC cũng tiết lộ đang làm việc với một loạt các đối tác lớn về việc mua sắm trang thiết bị và đã đi đến giai đoạn ký biên bản ghi nhớ về việc mua máy bay. Số lượng máy bay cụ thể sẽ được trình Cục Hàng không phê duyệt trong tháng 6 này. Hãng này cũng cho biết đang tiến hành xây dựng bộ máy nhân sự và quản trị.
Trọng tâm khai thác bay thẳng tới điểm du lịch
Trước nghi ngại về tình trạng quá tải hạ tầng sân bay hiện nay, đại diện tập đoàn FLC cho biết, trọng tâm của Bamboo Airways sẽ là khai thác các cảng hàng không địa phương. Đích nhắm tới của của Bamboo sẽ là các sân bay tại nơi tiềm năng du lịch nhưng lại chưa được khai thác triệt để, như sân bay Phú Quốc mới chỉ hoạt động gần 38% công suất.
Tập đoàn này cho rằng việc khai thác hãng hàng không của mình "không những không gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của những cảng hàng không đã quá tải, mà còn góp phần khai thác tối đa tiềm năng những địa điểm có hạ tầng hàng không chưa được tận dụng".
Trả lời câu hỏi về liệu có tham gia nâng cấp hạ tầng giao thông, ông Đặng Tất Thắng cho biết cùng với sự lớn mạnh của Bamboo Airways, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt chắc chắn cũng tính đến việc đầu tư nâng cấp các sân bay. Vị đại diện đưa ra dẫn chứng đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường trực tiếp ra sân bay dưới hình thức BT với một số địa phương như Bình Định, Thanh Hóa...
Ngoài ra, về thông tin Tre Việt là công ty sở hữu hãng hàng không mà lại có một trong các ngành nghề kinh doanh là bất động sản, ông Thắng cho biết việc đăng ký ngành bất động sản để phù hợp với mong muốn phát triển lĩnh vực bảo trì, bảo dưỡng máy bay.
Ông giải thích, lĩnh vực bảo trì bảo dưỡng máy bay còn bó hẹp. Tuy nhiên, ngành nghề đặc thù này đòi hỏi có diện tích lớn để thành lập các hang-ga, nhà kho cho tàu bay. "Do đó, chúng tôi đã sớm đăng ký bất động sản là một trong các ngành nghề kinh doanh của Tre Việt, nhằm đảm bảo tiềm năng phát triển trong dài hạn của Bamboo Airways không bị hạn chế", ông Thắng cho biết.
Hiện nay ngoài Bamboo Airways, còn 2 hãng hàng không khác cũng chờ cấp phép hoặc xin mở rộng giấy phép để tiến hành bay. Đó là các hãng hàng không do Hải Âu liên doanh với tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia của Malaysia và Vietstar Air. Cả hai hãng trên đều kỳ vọng được cất cánh vào năm 2018. |