FATF khuyến nghị các nước đưa ra các cơ chế chống rửa tiền mạnh hơn
Ảnh minh họa |
Trong cuộc chiến chống tài trợ cho khủng bố, năm 1999, Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước quốc tế về chống tài trợ cho khủng bố (Công ước được 132 nước ký, 112 nước phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày 10/4/2002). Công ước yêu cầu các nước đã phê chuẩn, phải hình sự hóa chủ nghĩa khủng bố, các tổ chức khủng bố, hành vi khủng bố, tài trợ cho khủng bố. Theo đó, bất kỳ người nào cung cấp hoặc quyên góp tiền với ý định tài trợ hoặc sử dụng để tiến hành bất kỳ một hành vi khủng bố nào, sẽ được xem là hành vi bất hợp pháp.
Liên Hợp Quốc đã thiết lập một quy trình để xem xét những đề nghị từ phía các quốc gia thành viên trong việc ghi tên các cá nhân và tổ chức phi bị phong tỏa tài sản vào một danh sách thống nhất được quản lý bởi Uỷ ban Trừng phạt 1267. Các thành viên Liên Hợp Quốc buộc phải thực hiện một số biện pháp nhất định đối với những người hoặc tổ chức bị nêu tên trong danh sách này, bao gồm phong tỏa tài sản, cấm vận vũ khí và cấm đi lại.
Trong 9 Khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ cho khủng bố, ngay tại khuyến nghị đầu tiên, Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đã khuyến nghị mỗi nước cần tiến hành ngay những biện pháp để phê chuẩn và thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc năm 1999 về chống tài trợ cho khủng bố. Các nước cũng cần thực hiện ngay những nghị quyết của Liên Hợp Quốc liên quan đến các đạo luật về phòng, chống tài trợ cho khủng bố, đặc biệt là Nghị quyết 1373 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Trong Khuyến nghị thứ 5 về hợp tác quốc tế chống tài trợ cho khủng bố, FATF đã yêu cầu mỗi nước cần tạo điều kiện cho nước khác trên cơ sở của một hiệp định hoặc thỏa thuận hoặc cơ chế tương trợ tư pháp hoặc cơ chế trao đổi thông tin khác thông qua những biện pháp mạnh nhất có thể được để hỗ trợ những việc liên quan đến thi hành luật hình sự, dân sự, và các điều tra hành chính, thẩm vấn và truy tố liên quan đến tài trợ cho khủng bố, hoạt động khủng bố và các tổ chức khủng bố.
Các nước cũng cần tiến hành mọi biện pháp có thể có để bảo đảm rằng họ không cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho các cá nhân bị buộc tội tài trợ cho khủng bố, các hoạt động khủng bố hoặc cho các tổ chức khủng bố, và cần có các thủ tục thích hợp để dẫn độ những cá nhân đó, nếu có thể.
Các khuyến nghị đặc biệt về chống tài trợ của FATF còn bao gồm: Hình sự hoá hành vi tài trợ cho khủng bố và rửa tiền kèm theo; Phong tỏa và tịch thu tài sản của các đối tượng khủng bố; Báo cáo các giao dịch đáng ngờ liên quan đến chủ nghĩa khủng bố; Theo dõi loại hình chuyển tiền thay thế; Giám sát các tổ chức phi lợi nhuận và kiểm soát người vận chuyển tiền tệ.
Các khuyến nghị của FATF đã trở thành tiêu chuẩn hành động quốc tế để giải quyết vấn đề tài trợ cho khủng bố. Chúng cung cấp kế hoạch chi tiết cho những quốc gia đang cần sửa đổi hệ thống luật pháp và tài chính cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Khả năng công khai danh sách các quốc gia với các biện pháp chống rửa tiền kém hiệu quả của FATF góp phần khuyến khích các nước đưa những cơ chế chống rửa tiền mạnh hơn vào hoạt động. Nhờ có sự công khai này mà hệ thống pháp luật ở nhiều nước như Nigeria, Ukraina và Philipinnes được đánh giá là đã tiến bộ vượt bậc.
Theo đánh giá của các tổ chức thì những nỗ lực toàn cầu đã và đang khiến bọn khủng bố ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc gây dựng và lưu chuyển tài chính. Liên minh châu Âu phối hợp tích cực với Mỹ nhằm củng cố những nỗ lực chống tài trợ cho khủng bố. Tại Trung Đông, Nam Á, Mỹ Latinh và Đông Á, các chính phủ cũng đang hành động để phá vỡ khả năng gây quỹ khủng bố trong khu vực.
Tuy nhiên, các nước vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Việc tài trợ cho khủng bố dường như trở nên phân tán hơn trước, các khoản tiền thường có nguồn gốc từ các tổ chức từ thiện, các hệ thống chuyển tiền khác nhau, thậm chí là từ các tội ác và thường được vận chuyển qua trung gian.