EU và Anh đạt được thỏa thuận gì vào 'phút chót'?
Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, sau nhiều tháng đàm phán khó khăn, đã đạt được thỏa thuận về quan hệ đối tác trong tương lai sau Brexit.
Điều này được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo vào tối 24/12 (giờ Việt Nam) trong một cuộc họp giao ban được phát trên tài khoản Twitter của EC.
“Đã đến lúc lật sang trang mới và nhìn về tương lai. Vương quốc Anh vẫn là đối tác mà các bạn có thể tin tưởng, chúng ta vẫn là đồng minh. Chúng tôi có chung lợi ích, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh sẽ sát cánh cùng nhau để đạt được các mục tiêu chung toàn cầu”, bà Leyen nhấn mạnh.
“Hai bên đã đạt được một thỏa thuận ‘tốt đẹp’, dù phải trải qua chặng đường đàm phán đầy chông gai. Đây là một thỏa thuận công bằng, đúng đắn và xứng đáng cho những nỗ lực đàm phán”, bà Leyen tuyên bố.
EU và Anh đạt được thỏa thuận đối tác sau Brexit. (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, thông tin trên cũng đã được Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận. “Thỏa thuận đã đạt được”, ông Johnson viết trên Twitter.
Được biết, thỏa thuận dài 2.000 trang cần phải được quốc hội phê chuẩn.
Theo Downing Street (Phủ thủ tướng Anh), Vương quốc Anh, trong khuôn khổ thỏa thuận về quan hệ xa hơn với EU sau Brexit, đã giành lại quyền kiểm soát biên giới, thương mại, hệ thống tư pháp và vùng biển đánh cá.
“Thỏa thuận đã kết thúc. Chúng tôi đã giành lại quyền kiểm soát tài chính, biên giới, luật pháp, thương mại và vùng biển đánh cá”, Downing Street cho biết. Tài liệu cho biết, London và Brussels “đã ký thỏa thuận thương mại đầu tiên dựa trên mức thuế bằng 0 và hạn ngạch bằng không”.
Theo trưởng đoàn đàm phán EU, Michel Barnier - người trực tiếp đàm phán với phía Anh trong suốt hơn 3 năm qua, thỏa thuận đạt được quy định thương mại tự do không có hạn ngạch và thuế quan, quyền tiếp cận không hạn chế vào lãnh thổ, không gian biển và hàng không của nhau cũng như tiếp cận cân bằng với các nguồn tài nguyên biển.
“Thỏa thuận bao gồm khả năng tiếp cận thị trường cân bằng dựa trên các quy định đã được thống nhất”, ông Barnier nhấn mạnh.
Đồng thời, bày tỏ niềm tự hào khi thông báo về một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu, trưởng đoàn đàm phán nước Anh David Frost cho biết, nước Anh sẽ chính thức là một quốc gia độc lập hoàn toàn từ ngày 1/1/2021. Theo đó, nước Anh sẽ bắt đầu một con đường mới với tương lai và thịnh vượng nằm trong tay người dân Anh. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng nước Anh sẽ thành công và phát triển.
Kết quả này tạo cơ sở pháp lý để Anh và EU tránh được một cuộc “ly hôn” trong hỗn loạn và không có thỏa thuận để xác định mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit.
Nga đánh giá cao thỏa thuận giữa EU và Anh
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko thông báo, Nga đánh giá tích cực về thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Anh. “Chúng tôi đánh giá tích cực về việc đạt được một thỏa thuận giữa EU và Anh, bởi vì điều này sẽ mang đến ít cú sốc trong quan hệ quốc tế”, ông Grushko nhận định.
Hiện tại, chi tiết của bản thỏa thuận 2.000 trang này chưa được công bố nhưng theo các nguồn tin, sau cuộc đàm phán cuối cùng xuyên đêm ngày 23/12 và sáng ngày 24/12, hai bên đã giải quyết được vướng mắc cuối cùng liên quan đến lĩnh vực nghề cá, theo đó, phía Anh chấp nhận việc EU chỉ giảm bớt 25% sản lượng đánh bắt cá hàng năm, trong một giai đoạn kéo dài 5 năm rưỡi, trước khi hai bên xây dựng một thỏa thuận mới.
Việc bỏ phiếu tại Quốc hội Vương quốc Anh về dự thảo luật hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 30/12. Về phía châu Âu, do Nghị viện châu Âu không kịp họp để phê chuẩn trước ngày 31/12 nên hai phía Anh và EU có thể sẽ phải bàn về một cơ chế áp dụng tạm thời thỏa thuận này từ ngày 1/1/2021.
Trước đó, Vương quốc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu vào nửa đêm ngày 31/1. Cho đến cuối năm 2020, quốc gia này sẽ vẫn nằm trong Liên minh thuế quan châu Âu.
Viễn cảnh 'u ám' đang chờ chính trị thế giới năm 2021
Tờ SRF của Thụy Sĩ nhận định, các cuộc đối đầu hiện tại giữa các cường quốc trên thế giới có thể leo thang vào năm 2021.
Thanh Bình (lược dịch)