EU mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga do liên quan đến hacker
Hôm 22/10, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối các cá nhân và tổ chức của Nga do tình nghi tấn công mạng nhằm vào Quốc hội Đức hồi năm 2015.
Cụ thể, một tài liệu được xuất bản trên tạp chí chính thức của Liên minh Châu Âu cho hay, Liên minh châu Âu đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai công dân Nga và một tổ chức bị tình nghi tấn công mạng Quốc hội Đức hồi năm 2015.
EU mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga do liên quan đến hacker. (Ảnh: RIA) |
Theo tạp chí này, tài liệu trên nói về “Viện nghiên cứu trung tâm thứ 85” của GRU (Tổng cục Tình báo quân đội Nga), cũng như về tin tặc người Nga Dmitry Badin, người được cho là đóng vai trò chính trong cuộc tấn công mạng năm 2015 và ông Igor Kostyukov, người đứng đầu GRU. Đây là những nhân vật được EU coi là nhân viên của trung tâm này. Sau châu Âu, Anh cũng công bố các biện pháp trừng phạt tương tự.
Trước đó, GRU bị nghi xâm nhập email văn phòng cử tri của Thủ tướng Đức trong vụ tấn công nhằm vào quốc hội nước này cuối năm 2015. Cảnh sát hình sự và cơ quan an ninh mạng liên bang Đức đã tái dựng một phần vụ tấn công, phát hiện hai hộp thư email thuộc văn phòng cử tri của Thủ tướng bị nhắm mục tiêu.
Sau chiến dịch tấn công mạng kéo dài khoảng 2 tuần, 16 gigabyte dữ liệu đã được chuyển đến các máy chủ nước ngoài. Các tin tặc cũng đã thành công trong việc sao chép hoàn toàn hai hộp thư điện tử từ Văn phòng Thủ tướng Merkel, trong đó chứa các email từ năm 2012 đến 2015. Tuy nhiên, mức độ thông tin bị đánh cắp chưa được tiết lộ.
Năm 2016, cơ quan tình báo nội địa Đức công khai cáo buộc một nhóm hacker, được cho là làm việc cho nhà nước Nga, đứng đằng sau vụ tấn công mạng này. Nhóm được biết đến với tên gọi Fancy Bear, hay APT28, cũng được cho là đã đứng đằng sau các vụ tấn công mạng trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Cơ quan tình báo nội địa Đức tin rằng, các cuộc tấn công của Nga nhắm vào các cơ quan, tổ chức của Đức được thực hiện là nhằm thu thập thông tin tình báo.
GRU là cơ quan tình báo lớn nhất của quân đội Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. GRU được thành lập năm 1920 với tên gọi Cục Điều phối Các cơ quan Tình báo quân đội. Tuy nhiên, vai trò của GRU thời đó thường ít được biết đến và được cho là chịu sự quản lý của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB).
Ngoài ra, tình báo quân sự Nga cũng từng bị nghi tấn công email của Ủy ban Quốc gia Đảng dân chủ Mỹ và John Podesta, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Hillary Clinton hồi tháng 3/2016. Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2016 áp đặt lệnh trừng phạt bốn sĩ quan cao cấp của GRU với cáo buộc tham gia vụ tấn công.
Cách ‘tiếp cận’ cử tri mới lạ của các ứng viên Tổng thống Mỹ
Theo Washington Post, để đến gần hơn với người dân, các chính trị gia Mỹ thường tỏ ra yêu thích đồ ăn nhanh, vốn được coi là món ăn dân dã giản dị, các ứng viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump cũng không phải ngoại lệ.
Thanh Bình (lược dịch)