Ecobrick - Những viên gạch sinh thái không sở hữu sức mạnh vạn năng
Ecobrick: Những viên gạch không bao giờ nung
Vào năm 2010, tại miền Bắc Philippines, có hai chàng trai đã viết lên một bản hướng dẫn, phổ cập cho người dân địa phương cách làm gạch sinh thái. Nhận thấy lợi ích tuyệt vời mà “dự án xanh” ấy mang lại, chính phủ nước này đã quyết định nhân rộng tới 1.700 trường học nhằm giáo dục về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Cũng từ đây, “Ecobrick” ra đời, lan tỏa tạo thành hiệu ứng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nam Phi, Zambia, Mỹ và gần đây nhất là Indonesia.
Những viên gạch sinh thái này được xem là giải pháp tối ưu cho việc giảm thải rác nhựa xả ra môi trường (Ảnh: Ecobrick.org) |
Ecobrick - Viên gạch sinh thái thực chất là cách tái chế nhựa và nilon dùng một lần bằng việc đem đi rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ rồi nhồi thật chặt vào những chai nhựa khô ráo, sao cho đủ cứng để chúng trở thành vật liệu làm đồ nội thật, bồn cây, hàng rào thậm chí nhà ở. Thay vì vứt túi bóng, vỏ bimbim, hộp xốp, ống hút bừa bãi ra đường, việc gom rác khó phân hủy về một mối chính là lý do khiến ecobrick được xem như chiếc chìa khóa tối ưu trong việc giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Bắt đầu xuất hiện và trở nên phổ biến ở Việt Nam vào đầu năm 2018, những viên gạch sinh thái nhanh chóng nhận nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng khi mọi nỗ lực “sống xanh” đang được tích cực thực hiện để cứu vãn tình hình ô nhiễm. Theo ước tính, mỗi ngày hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa, trong đó có từ 10 - 50 tấn rác thải nilon. Chỉ mất 1 giây để vứt bỏ nhưng lại cần ít nhất 1.000 năm mới phân hủy hết, tuy nhiên nếu nhìn ở một góc độ khác, thì phải chăng sự bền bỉ ấy phần nào giúp chúng ta giải quyết một bài toán hóc búa? Đi đầu trong hoạt động lan tỏa phải kể đến các bạn trẻ tới từ Les Pas Verts - câu lạc bộ chuyên tổ chức những buổi ngoại khóa dạy học sinh làm ecobrick và nhận thu gom chúng trên địa bàn Thủ đô. Bạn Huyền Nguyễn - thành viên CLB chia sẻ: “Ở Việt Nam lượng rác thải nhựa đang tăng dần lên nhưng công nghệ xử lí còn khá lạc hậu. Trong khi đó, gạch sinh thái thực hiện dễ dàng, đơn giản lại không tiêu tốn quá nhiều chi phí. Hiện tại, những viên gạch làm bằng công sức và nỗ lực của mọi người đã được dùng để xây dựng bốn sân chơi ở Đông Anh.”
Câu chuyện về một phong cách “sống xanh”
Có thể thấy, người trẻ Việt Nam hiện nay ngày càng đặt mối quan tâm của mình vào những vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường, và bao câu chuyện truyền cảm hứng cứ nối tiếp nhau tạo thành sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thói quen sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn như việc mang một chiếc túi vải khi đi chợ, sử dụng ống hút làm bằng tre, kim loại thay cho nhựa, ưu tiên tắm gội với các nguyên vật liệu tự nhiên hay câu chuyện “sống xanh” của cặp vợ chồng anh Trần Anh Tuấn và chị Trần Bình Minh khiến không ít người cảm thấy ngưỡng mộ.
Trong một lần đi cắm trại ở Sóc Sơn, anh chị đã tận mắt chứng kiến cuộc sống chật vật tại những nơi chôn rác của thành phố. Người dân không dám uống nước, quanh năm sống trong mùi hôi thối, ô nhiễm và bụi bặm khiến họ nhận ra rằng thay vì chỉ mãi tuyên truyền, đã đến lúc cần hành động để cải thiện vấn đề này. Nhà mình Learning Center & Eco - Homestay đã ra đời như thế và gạch Ecobrick chính là câu trả lời ngắn gọn nhất để nâng cao trách nhiệm trong chính mỗi người: “Chúng mình không muốn vứt nilon hay nhựa vào thùng rác bởi kiểu gì nó cũng sẽ bị đem đốt hoặc chôn, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dùng làm bàn ghế dùng ở nhà hoặc tặng lại những câu lạc bộ muốn sử dụng với mục đích tốt chẳng phải nhiều lợi ích hơn sao?” - Chị Bình Minh chia sẻ.
Hai anh chị sáng lập ra dự án "Nhà Mình Learning Center & Eco-Homestay" |
Dù việc tái chế rất cần thiết nhưng có nhiều người vẫn đang hiểu sai ý nghĩa của tinh “sống xanh”, bởi điều mà anh Anh Tuấn, chị Bình Minh mong muốn nhất không phải thu thập đủ rác làm gạch mà cần giảm thiểu hết mức có thể: “Chúng mình rất mong gạch sinh thái sẽ không phát triển bởi vì nó chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp tốt nhất là giảm tối đa đồ nhựa, nilon dùng một lần. Làm gạch sinh thái rất cực và mất thời gian, nếu phát động phong trào rộng lớn mà không truyền đạt đúng cách thì còn bị phản tác dụng, khiến người ta ỷ lại rằng mình có cách tái chế rồi, cứ dùng nylon nhiều vào. Đầu tiên phải từ chối dùng chúng đã, nếu phải dùng thì hãy tái sử dụng hết sức có thể, rồi sau đó mới mang ra tái chế khi không tái sử dụng được nữa. Tái chế cũng có nhiều cách, thì gạch sinh thái là cách tạm thời nhất, khi chưa ai có cách khác tốt hơn thôi. Một khi nylon và nhựa đã được nhồi vào gạch thì chết cứng trong đó luôn, không tái sử dụng hay tái chế theo cách khác được nữa.” - Anh Anh Tuấn lí giải.
Chúng ta liệu có đang hiểu nhầm?
Chúng ta cần phải hiểu rằng, tất cả những giải pháp giảm thiểu rác thải xả ra ngoài môi trường đều chỉ mang tính tương đối, kể cả Ecobrick. Theo đó, bạn Huyền Nguyễn - thành viên câu lạc bộ Les Pas Verts chia sẻ: “Thực tế thì mục đích sử dụng Ecobrick hiện tại của chúng mình chủ yếu mang tính giáo dục, để rồi khi mọi người nhìn vào sẽ hiểu rằng số lượng rác bản thân và gia đình thải ra nhiều như thế nào, xử lí khó khăn làm sao”. Gạch sinh thái không phải chiếc chìa khóa tối ưu như mọi người vẫn hay lầm tưởng, hay chăng nó chỉ là phương án giải quyết cuối cùng khi không thể tiếp tục tái sử dụng đồ nhựa và nilon. Có chung quan điểm với Huyền Nguyễn, Lê Ngọc Như Quỳnh - sinh viên năm ba Học viện Tài chính nói: “Thật phung phí sức lực và thời gian nếu coi mục đích làm gạch eco là để xây nhà, xây vườn hoa…Đối với bản thân mình, nó cũng chỉ là tạm thời nhét chỗ nhựa ấy vào một góc, “chữa cháy” cho hậu quả khủng khiếp do chính con người tạo ra để chờ cách giải quyết triệt để hơn.”
Những buổi ngoại khóa làm gạch ecobrick của CLB Les Pas Verts nhằm giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường (Ảnh: Les Pas Verts) |
Cũng có nhiều cá nhân đang hiểu nhầm việc vận động làm gạch sinh thái đồng nghĩa tạo ra càng nhiều càng tốt, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Chị Nguyễn Ngọc Xuân - sinh sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Mình giới thiệu, chia sẻ nó cho bạn bè, gia đình trước nhất, chủ yếu giúp bản thân và mọi người quản lí lượng rác thải gây ảnh hưởng xấu cho môi trường sống. Chẳng ai muốn lúc nào nhà cũng chất đầy rác để rồi phải cất công đè nén vào chai nhựa cả, không còn túi bóng, nilon làm gạch eco vẫn là tốt nhất”. Chúng ta thấy các phương tiện truyền thông nhắc nhiều về viên gạch sinh thái, khen chê đều có nhưng ít khi đề ra phương án tối ưu, dẫn đến những lầm tưởng tai hại về một giải pháp bảo vệ môi trường bền vững.
Không thể phủ nhận với Ecobrick, chúng ta có thể tái chế nhựa không phân hủy thành những sản phẩm tiện dụng thế nhưng nó chẳng hề bền vững để duy trì một cuộc sống xanh cho bạn và gia đình. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào thực tế ô nhiễm môi trường và tự giác giảm thiểu rác thải do chính mình tạo ra?