ECB từ chối xóa nợ cho các nước châu Âu
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le JDD của Pháp, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, năm 2021 sẽ là năm phục hồi kinh tế châu Âu.
Theo bà Lagarde, mặc dù tất cả các nước trong khu vực đồng Euro sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid-19 với khoản nợ lớn, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ có thể trả hết. Tuy nhiên, chủ tịch ECB loại trừ khả năng xóa nợ công, theo yêu cầu của một số nhà kinh tế châu Âu.
“Đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu thứ ba, mà người đứng đầu hiện tại của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde, người trước đây từng là Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Bộ trưởng Tài chính Pháp phải đương đầu. Điều này cho phép bà ấy giữ được tinh thần lạc quan và mạnh mẽ”, Le JDD viết.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde. (Ảnh: Reuters) |
Người đứng đầu ECB lưu ý rằng, một trong những cách để duy trì tâm trạng lạc quan, bất chấp sự không chắc chắn ngày nay là nhớ lại các dự báo của ECB, được công bố vào tháng 9/2020 và những rủi ro mà họ tính đến. Vào thời điểm đó, mối đe dọa về một Brexit “cứng rắn” vẫn đang đeo bám Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, trong khi không có vắc-xin chống lại Covid-19, và kết quả của cuộc bầu cử quan trọng nhất của Mỹ đối với toàn thế giới vẫn chưa được xác định. Ngày nay, tất cả những bất ổn này đã được xua tan và theo các nhà kinh tế học là một yếu tố lạc quan không thể phủ nhận.
Bà Lagarde nói, ECB vẫn tin rằng năm 2021 sẽ là năm phục hồi kinh tế. Đồng thời, cảnh báo những nguy cơ mới có thể xảy ra. “Chúng ta sẽ không thể trở lại mức hoạt động kinh tế trước đại dịch, cho đến giữa năm 2022”, Chủ tịch ECB cho biết.
Ngoài ra, bà Lagarde dự đoán rằng khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng khoảng 4% vào năm 2021, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc vào các chính sách và chiến dịch tiêm chủng, cũng như các biện pháp kinh tế mà các chính phủ thực hiện để đối phó với tình hình sức khỏe.
Tuy nhiên, người đứng đầu ECB tự tin rằng “cuộc khủng hoảng hiện tại đã củng cố Liên minh châu Âu”. Chủ tịch ECB nhấn mạnh, quyết định về các khoản vay chung là một thời điểm gắn kết đặc biệt trong lịch sử của dự án châu Âu. Đồng thời, theo bà Lagarde, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những khác biệt đã có từ trước giữa các nước châu Âu.
Trong bối cảnh đó, Kế hoạch kích thích kinh tế châu Âu được các nước thông qua vào mùa hè năm 2020, càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là do gói trợ cấp sẽ được cung cấp cho từng bang phù hợp với các tình hình cụ thể tại các quốc gia. Ví dụ, theo bà Lagarde, Italy sẽ nhận được khoảng 200 tỉ Euro tiền vay và trợ cấp.
“Mặc dù tất cả các nước khu vực đồng Euro sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này với mức nợ cao, nhưng chắc chắn rằng họ sẽ có thể trả hết”, bà Lagarde nhận định.
Các chuyên gia nhấn mạnh, không thể có vấn đề xóa nợ, như yêu cầu của một bản kiến nghị được ký bởi hơn 100 nhà kinh tế châu Âu.
“Điều này sẽ vi phạm hiệp ước châu Âu, trong đó nghiêm cấm việc tài trợ tiền tệ cho các quốc gia. Quy tắc này là một trong những trụ cột chính cho sự tồn tại của đồng Euro”, nguồn tin cho biết. Theo quan điểm của bà Lagarde, sẽ có lợi hơn nhiều cho các nhà kinh tế nếu sử dụng “năng lượng” này dành cho việc yêu cầu ECB xóa nợ, thảo luận về vấn đề quản lý khoản nợ và phân bổ chi tiêu của chính phủ.
Trước đó, kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá khoảng 1.800 tỉ Euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7 năm ngoái, đang rơi vào bế tắc sau khi Ba Lan và Hungary phản đối điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền EU, đồng thời bác kế hoạch ngân sách nói trên.
Theo quy định, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên và Nghị viện châu Âu, đồng nghĩa hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu sẽ chưa được tiếp cận nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn này.
Chuyên gia đánh giá những đồng tiền ‘tệ nhất’ vào năm 2021
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phân tích của Trường quản lý tài chính cấp cao Mikhail Kogan trong một cuộc phỏng vấn với tờ Prime của Nga, đã hẽ lộ những đồng tiền “tệ nhất” vào năm 2021.
Thanh Bình (lược dịch)