Đường hoàn lương của thầy giáo đồng tính, mắc bệnh thế kỷ

34 tuổi, Quý có một cuộc đời bi quẫn như thể được gom lại từ nhiều mảnh đời bất hạnh khác nhau trên thế gian này.

Sinh ra là trẻ khuyết tật, 19 tuổi biết mình là người đồng giới, 29 tuổi mắc bệnh HIV từ bạn tình, vào tù năm 33 tuổi…, dường như tất cả nỗi đau và tổn thương trên cuộc đời này Quý đều từng chạm tới. 

Tuổi thơ bất hạnh

 

Cuộc đời của Quý bi kịch, sóng gió như thể không có thực. 


Là con trai thứ 5 trong một gia đình nông thôn nghèo ở Hà Tĩnh, Quý sinh ra đã nhiễm chất độc màu da cam từ người bố chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Ngày ấy, ở miền quê nghèo nàn, chưa ai biết chất độc màu da cam là thứ gì. Người ta nói Quý “không phải là người”.

Đôi bàn chân bị lật lên khiến cậu không đi được bình thường mà phải bò trườn trên mặt đất. Cậu trườn theo mẹ đi khắp nơi. 

Chiếc dây thòng lọng treo trên cây ổi mẹ luôn nhìn vào mỗi đêm khiến đứa trẻ mới vài tuổi bị ám ảnh. Mẹ khi đó bị bệnh, không có tiền chữa trị. Quý sợ mẹ treo cổ chết, đêm đêm cậu lại giả vờ véo mẹ một cái, hoặc đá cái chân sang xem mẹ còn sống hay không. Mỗi lần như thế, bà lại đáp “tao chưa chết đâu mà lo”. 

Cũng vì “dị dạng” mà cậu chịu sự hắt hủi từ chính cha mẹ mình - những điều mà đến bây giờ cậu không còn muốn nhắc lại nữa. Mẹ không muốn cho đứa con trai què quặt tiếp xúc với ai. Một lần Quý trót bò ra ngoài gặp bạn của chị gái, bị mẹ chửi. “Từ đó, em sống rất mặc cảm, không dám gặp người lạ”.

Nhưng trong thâm tâm cậu biết mẹ thương mình. Trước lúc ra đi vì bệnh tật, mẹ dặn chị cả “bằng giá nào cũng phải cho nó đi học” và phải đổi tên thành Quý. Trước đó, Quý tên Thạch. Tên Quý là để sống được mọi người yêu quý. Lúc nào nhắc lại chuyện này Quý cũng khóc, vì “em đã sống không được mọi người yêu quý như mẹ mong muốn”.

Còn với cha, bây giờ sau khi ra tù, “em và cha đã thương nhau hơn”. Nhưng nhắc về ngày xưa, hình ảnh người cha trong cậu là một người đàn ông bạo lực với vợ, chưa bao giờ đi họp phụ huynh cho con và chỉ cho đứa con trai khuyết tật ăn có nửa bát cơm vì nó chẳng làm được gì phụ giúp gia đình. 

Đứa trẻ bị lạm dụng

Đến năm lớp 7, Quý được cha đưa đi phẫu thuật chân. Cậu phải nghỉ học ở nhà 2 năm. Bác sĩ lắc đầu. Cha bất lực. Chỉ có cậu vẫn tiếp tục tập đi ngày đêm. Sau này, khi quay lại tái khám, bác sĩ cũng ngạc nhiên về đôi bàn chân đã phục hồi được 80% của cậu. 

Khuyết tật về thể xác nhưng có ý chí và tâm hồn văn chương, Quý thi đỗ trường chuyên tỉnh và rời nhà đi trọ học. 

Cậu xin ở nhờ một gia đình họ hàng, được cho ăn ở miễn phí nhưng phải phụ giúp, chăm sóc cả gia đình 8 người.

Lớp 10, sau một lần ốm mệt, Quý làm bài dở, bị thầy cho 0 điểm. “Không làm được bài, thầy cho 0 điểm là bình thường, nhưng em vẫn nhớ thầy nói một câu: ‘Tôi đã thương anh Quý hết lòng và xin cho mức học bổng cao nhất nhưng gia đình anh không biết nhà tôi ở đâu cả’… Đúng là 3 năm em học phổ thông, cha em chưa bao giờ đi họp phụ huynh. Rồi thầy nói: ‘Không bao giờ có một trí tuệ minh mẫn trong một thân hình què quặt’”.

Năm học lớp 11 cũng là lần đầu tiên Quý phát hiện ra sự khác biệt trong giới tính của mình. “Lần đầu tiên đến nhà một thầy giáo, ông ấy cho em cảm giác giữa đàn ông với đàn ông. Em ra về trong cảm giác nhớp nhúa và kinh tởm nhưng vẫn nhận ra mình có một chút thích thú".

Học hết phổ thông, cậu thi đỗ 2 trường nhưng chọn Trường ĐH Sư phạm Vinh để không mất học phí. Quý làm đủ nghề thời sinh viên để lo ăn ở, còn có tiền gửi về cho cha. 

Ra trường, Quý về Hà Tĩnh đi dạy hợp đồng suốt 7 năm nhưng không có cơ hội nào để vào biên chế. Cậu quyết định vào TP.HCM - một quyết định khiến cuộc đời cậu bước sang những tháng ngày đen tối nhất.  

Những trang đời đen tối

Thi đỗ biên chế vào một trường cấp 2 chuyên ở TP.HCM, đêm đầu tiên đặt chân đến bến xe miền Đông, cậu được một người lạ rủ về nhà cho ngủ nhờ một đêm. 

“Đêm hôm đó, cảm xúc về xác thịt làm cho em quên hết mọi lý trí. Em mắc cái bệnh của người ta - bệnh thế kỷ”.

Nhưng còn đau xót hơn, người tình này ngay lập tức đe doạ sẽ công bố bí mật về giới tính, bệnh tật của cậu cho gia đình, nhà trường, hòng bắt cậu phải phục tùng theo ý mình suốt một thời gian dài. 

Trong lúc bi quẫn nhất, cậu nhận được cuộc điện thoại của một cán bộ xã ở quê. Người này cũng là người đồng giới, rủ rê cậu về và hứa hẹn sắp xếp công việc cho cậu. Như tìm được lối thoát, Quý nghe lời, bỏ cả suất biên chế ở ngôi trường cấp 2 chỉ với mong muốn thoát khỏi người bạn tình độc hại. 

Nhưng “sử dụng” cậu xong, ông chú không đả động gì đến chuyện công việc. Nghĩ về những kẻ đã lừa dối mình, Quý chỉ trách bản thân “sao lại non nớt, dại dột thế”. Rồi cậu lại tự trả lời “có lẽ do em ít tiếp xúc xã hội nên mới bị người ta lừa”.

Bỏ TP.HCM, mất công việc, mắc bệnh HIV, ngôi nhà của cha thì bị bão tốc hết mái…, nghĩ cuộc đời mình chẳng còn gì, Quý tống tiền “ông chú” bằng tin nhắn điện thoại. “Lúc ấy, em chỉ nghĩ là mình cần có tiền để làm cho cha một cuốn sổ tiết kiệm, rồi em gieo mình xuống sông Sài Gòn chết quách đi”.

Hi vọng sống

Sau 3 lần gửi tiền cho Quý, "ông chú" tố cáo cậu ra công an. Cậu nhận án 10 tháng tù. Những ngày đầu tiên ngồi tạm giam, suy nghĩ đầu tiên của Quý là tìm cách tự tử. May mắn, Quý được một bạn tù thương, động viên phải sống để trở về, dạy cậu cách làm ăn sau khi ra tù. “Nhiều đêm anh bảo mi đừng nghĩ đến cái chết nữa, viết ra cho nhẹ lòng đi”.

Nghe lời người anh, Quý bắt đầu những trang viết về cuộc đời mình. “Viết ra đến đâu, em thấy mình được làm người đến đấy. Khi em kết thúc trang viết cũng là lúc em không còn oán hận một ai hết”.

Cuốn sách được hoàn thành trọn vẹn trong 10 tháng ngồi tù. 

 Cuốn sách kể về cuộc đời của Quý, kết thúc bằng một ước mơ giản dị nhưng xa vời. 

Sau khi ra khỏi nhà tù Quảng Bình, Quý mang cuốn sách tới 5 nhà xuất bản đều bị từ chối. Đến khi tới NXB Hội Nhà văn thì có một biên tập viên nhận chỉnh sửa miễn phí cho cậu. Việc của cậu bây giờ là phải có tiền in sách. 

Trở về quê nhà, “mọi thứ tan tành hết”. “Bố thì đã già, chị dâu bị ung thư giai đoạn cuối. Em nằm ngủ, bế cháu đều bị mọi người nhắc nhở. Em ra khỏi nhà vệ sinh thì chị gái chạy vào chùi rửa, kỳ cọ thật sạch. Chị nói: ‘Thương thì thương nhưng phải giữ cho mọi người, tốt nhất em nên ra ở riêng”.

Câu nói của người thân khiến cậu thắt lòng. Sau 2 ngày từ trại giam trở về, cậu dọn đồ ra Vinh (Nghệ An) - cách nhà 60km. 

Số tiền 500 nghìn đồng được trại giam phát, cậu mua thùng cam đầu tiên. Ngồi ngoài đường bán hết thùng cam 40kg, số tiền lãi đếm được là 250 nghìn đồng. Đó là những đồng tiền đầu tiên Quý kiếm được trên con đường hoàn lương. 

Suốt 1 tháng sau đó, ngày đi bán hoa quả dạo, đêm cậu ngủ gầm cầu. Khoảng 4 tháng sau, Quý tích đủ tiền in 1.000 cuốn sách. “Giấc mơ về những con bò” cũng là ước mơ lớn nhất của Quý trong những ngày ngồi trong trại giam - được về quê nuôi một đàn bò, sống những ngày tháng yên ả cuối đời. 

 Một trang viết trong "Giấc mơ về những con bò" của Hoàng Xuân Quý.


Viết sách là cách để người đàn ông 34 tuổi này trải lòng, lấy đó làm niềm vui, làm động lực sống cho mình. Số tiền ít ỏi từ việc bán sách suốt 1 năm qua, Quý dành để chia sẻ với những em bé có hoàn cảnh bất hạnh giống như mình ngày xưa. “Chắc chị cũng nghĩ em bị hâm. Vì cuộc đời em đang bi đát thế này mà còn đòi đi làm từ thiện. Nhưng em thấy vui, thấy đó là việc mình muốn làm chị ạ”. 

Cậu lại bảo: “Trời thương cho em hoàn lương đấy chị ạ. Mỗi ngày em kiếm được 300-400 nghìn, có ngày em được 1 triệu”.

Ngày nào Quý cũng rời nhà từ 3-4h đi lấy hàng, kết thúc ngày làm việc lúc 22h. Về nhà tắm rửa xong, cậu lại ngồi bàn viết tiếp cuốn sách dang dở mang tên “Chông chênh một nẻo về”. 

Khi được hỏi về thu nhập, Quý bảo cậu kiếm đủ để trang trải cuộc sống và trả khoản lãi vay ngân hàng xây nhà cho cha trước khi cậu ngồi tù, dư chút thì cho chị, cho cháu. 

Điều gì đã khiến Quý sống tiếp được đến giờ này sau bao nhiêu biến cố đắng ngắt của cuộc đời? “Có lẽ nhờ sự lãng mạn… Em vẫn còn chút lãng mạn và mơ mộng của một người yêu văn chương”, Quý nói. 

Đang sống trong phòng trọ 500 nghìn đồng/tháng, nhưng cậu có một ước mơ lớn, đáng trân trọng. Đó là làm được một dự án nào đó cho các cháu mồ côi, khuyết tật ở quê hương mình để chúng có nguồn thu nhập. 

“Giấc mơ về những con bò của em chắc lâu lắm nữa mới thực hiện được. Nhưng em rất muốn về quê. Em sẽ đối mặt với mọi thứ, sẽ làm lại cuộc đời”

Nguyễn Thảo

Mẹ chồng đi 1.200km về nhà thông gia đón cháu, con dâu bật khóc vì cảm động

Khoảnh khắc biết mẹ chồng đi 1.200km về đón cháu, Mơ (tên ở nhà là Nguyên) rưng rưng xúc động. Cô vừa thương mẹ chồng vất vả vừa cảm động trước tấm lòng yêu con thương cháu của bà.

Em bán mảnh đất vườn, anh trai chở mẹ đến đòi 200 triệu dưỡng già

Dù có công khai hoang nhưng tôi chỉ được thừa kế một mảnh vườn ở xa, còn phần lớn đất đai giá trị cha mẹ đều sang tên cho anh trai.

Bạn gái kém 14 tuổi của anh trai khiến tôi và mẹ ngán ngẩm

Cuối tuần trước, anh trai tôi dẫn người yêu về ra mắt gia đình. Cả nhà tôi rất mong chờ điều này do anh đã lớn tuổi. Tuy nhiên, cách cư xử của cô ấy khiến gia đình tôi rất thất vọng.

Chồng tự dưng hết mực chăm sóc mẹ vợ, biết lý do tôi lập tức đưa bà về quê

Người ta nói “Không ai tốt với người khác mà không có lý do, ngoại trừ cha mẹ của họ” thật chẳng sai chút nào và câu chuyện của tôi là một minh chứng.

Mở phong bì thưởng Tết của chồng, vợ sững sờ thấy dòng chữ phía trên

Nhiều năm nay, tôi vốn không mấy khi hỏi cụ thể chuyện thưởng Tết của chồng, vì anh “dị ứng” chuyện vợ tra khảo tiền bạc. Nhưng có lẽ vì sự dễ dãi này, chồng coi tôi như người ngoài.

Xin về ăn Tết nhà ngoại, nàng dâu bật khóc nghe bố chồng nói 6 câu

Hơn 10 năm lấy chồng, chưa năm nào tôi được về đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ. Thấy bạn bè năm ăn Tết nhà nội, năm ăn Tết nhà ngoại mà tôi lại chạnh lòng.

Chồng ngoại tình, bỏ đi theo bồ, sau 2 năm bỗng trở về cầu xin tôi tha thứ

Tại sao khi tôi đã dần nguôi ngoai, ổn định cuộc sống thì người chồng ngoại tình lại quay trở về? Đau lòng nhất là tại sao bố mẹ chồng và các con tôi lại ủng hộ anh ta?

Vợ chồng ở Thái Bình tuyên bố vỡ hụi, hàng chục người mang quan tài đi tìm

Trước thông tin chủ hụi vỡ nợ, nhiều người xã Nam Trung (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) kéo đến gây áp lực để đòi tiền. Có trường hợp cho biết đã góp hụi gần 10 tỷ đồng.

6 chị em ruột không lấy chồng, sống cùng nhau dưới một mái nhà

Thanh xuân trôi theo những tháng năm nghèo khó, 6 chị em không dám lấy chồng. Không con cái, tuổi già đuổi đến, 6 mảnh đời côi cút sống dựa vào nhau.

Bà nội trợ tỉnh táo vượt qua bẫy lừa quà tặng tri ân của 'siêu thị điện máy'

Trước bẫy lừa đảo trực tuyến quà tặng tri ân, chị Nguyễn Thanh Châu suýt chút nữa mất hàng chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.

Đang cập nhật dữ liệu !