Được lòng dân là có tất cả
Sau hơn 85 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta đã lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương: Đọc lại Di chúc của Hồ Chủ tịch trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải thấm nhuần tư tưởng, được lòng dân là có tất cả, mất lòng dân là mất tất.
Đảng phải nhanh chóng sửa mình
Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, người dân chưa bao giờ mất niềm tin vào Đảng, nhưng nhân dân đang mất dần niềm tin vào một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất. Ông Hoàng trăn trở: "Phải nghiêm túc nhìn xem cán bộ đảng viên của chúng ta đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng". Câu hỏi này ông dành cho không chỉ dành cho Đảng, cho cán bộ đảng viên, ông dành cho cả nhân dân. Bởi lẽ, khi nhân dân quan tâm tới Đảng, tới vận mệnh dân tộc thì hẳn sẽ quan tâm tới đời sống chính trị nước nhà. Nếu người dân quan tâm đến đất nước, hàng ngày nghe tin tức, biết rằng hầu hết người có thể tham ô, tham nhũng chỉ có thể là đảng viên thì họ đang rất buồn. Người dân hiểu, chỉ có đảng viên nắm giữ những chức vụ, có địa vị, thì mới có cơ hội tham nhũng và có thể tham nhũng; chứ người dân thì tham nhũng cái gì, tham nhũng được của ai. Nhưng vai trò của nhân dân trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng là hết sức quan trọng. Đảng không thể đứng một mình, và dân cũng không muốn đội ngũ Đảng có những "con sâu".
Ông Vũ Ngọc Hoàng chỉ rõ: Đảng phải nhanh chóng sửa mình. Mặt làm được cần nêu để thấy sự cố gắng chung, mặt chưa được càng phải nhìn rõ để sửa, để bổ sung giải pháp, chỉ có vậy mới lấy lại niềm tin của nhân dân. Trong di chúc của Bác Hồ, sau khi nói nhân dân đã tham gia xây dựng cách mạng, đã cùng với Đảng trải qua gian lao trong chiến tranh, Bác Hồ dặn Đảng phải có kế hoạch thật tốt để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Nhưng hiện nay, đại bộ phận dân chúng vẫn còn nghèo, tình trạng phân hóa giàu nghèo quá nhanh, đặc biệt là sự giàu nhanh và bất thường của một bộ phận quan chức khiến lòng tin của nhân dân bị giảm sút. "Vì sao nhân dân lại giảm lòng tin, trong khi ai cũng thấy là tình hình kinh tế, đời sống của nước nhà giờ đã khá hơn nhiều năm trước. Điều này chắc chắn không phải là tại nhân dân!", ông Hoàng khẳng định.
Ông Vũ Ngọc Hoàng chỉ rõ: Đảng phải nhanh chóng sửa mình. Mặt làm được cần nêu để thấy sự cố gắng chung, mặt chưa được càng phải nhìn rõ để sửa, để bổ sung giải pháp, chỉ có vậy mới lấy lại niềm tin của nhân dân. |
"Nhiều người hỏi tôi: Mấy ông cán bộ đó làm sao mà giàu nhanh vậy? Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót lòng", ông Hoàng trăn trở. Thực tế, trong câu so sánh của ông Hoàng, có điểm chưa thật chính xác là những năm 1960 -1970 khi ra khỏi chiến tranh, xuất phát điểm của Hàn Quốc cao hơn Việt Nam. Nhưng điều đáng nói, tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ thật đáng kinh ngạc, từ một nước nghèo nàn lạc hậu ở châu Á, nay đã trở thành nền kinh tế thứ 13 thế giới thì lời nhận xét của ông Hoàng quả là rất... đau xót.
Được lòng dân là có tất cả
Trở lại vấn đề xây dựng Đảng, ông Hoàng đặt vấn đề: "Các tổ chức Đảng, từng cán bộ đảng viên đã làm được gì và bồi dưỡng thế hệ đời sau như thế nào, nhất là bồi dưỡng bằng tấm gương của chính mình? Lòng tin của thanh niên bây giờ ra sao đối với Đảng và Nhà nước, so với những năm trước?". Trong khi đó, ngày xưa vào Đảng là thiêng liêng, là thiết tha lắm. Dù vào Đảng là đứng trước cửa nhà tù, là đứng dưới cỗ máy chém, là nguy hiểm cho cả bản thân và gia đình. Cái thời mà Tố Hữu đã tổng kết: Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu - Dấn thân vô là phải chịu tù đày - Là gươm kề cổ, súng kề tai - Là thân sống chỉ coi còn một nửa...
"Thế nhưng hiện nay, có một thực tế là các tổ chức Đảng rất ít phát hiện tham nhũng, trong khi hầu hết tham nhũng thì liên quan đến cán bộ, đảng viên. Nhiều lúc, nhiều nơi, rõ ràng tình hình rất xấu nhưng kiểm điểm rồi cũng không thấy trách nhiệm thuộc về ai. Bây giờ không ít thanh niên không muốn vào Đảng. Cái này không phải lỗi của thanh niên mà chính người lớn phải nhìn lại mình. Phải nghiêm túc nhìn xem cán bộ đảng viên của chúng ta đã như thế nào mà thanh niên không muốn vào Đảng", ông Hoàng day dứt.
Phân tích bài học Di chúc của Hồ Chủ tịch để lại, PGS.TS Bùi Đình Phong, Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: "Di chúc của Hồ Chủ tịch là một tài sản vô giá, những giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc ngày càng được khẳng định. Những lời dặn của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về “công việc đối với con người”, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau… vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự". PGS.TS Bùi Đình Phong ví dụ, hiện chúng ta đang đẩy mạn quá trình Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó đảng viên có nhiệm vụ phê bình và tự phê bình. Tôi cho rằng, vai trò phê bình và tự phê bình trong Đảng là đúng rồi. Nhưng đặt trường hợp, nếu tập thể phê bình mãi mà cán bộ, đảng viên không tiến bộ thì sao? Phải kỷ luật thật nghiêm để làm gương cho những cán bộ khác, qua đó xây dựng kỷ luật trong Đảng, lấy lại niềm tin của nhân dân.
Theo TS Bùi Đình Phong, muốn lấy lại niềm tin của dân thì công tác xây dựng đội ngũ nhân sự có yếu tố sống còn. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, phải có lực lượng dự bị đông đảo và ở đây chính là thanh niên. Phải làm sao thu hút được những thanh niên ưu tú vào Đảng. Phải trả lời được câu hỏi, vì sao hiện nay thanh niên không muốn vào Đảng. Đọc lại Di chúc, Bác Hồ chỉ rõ: "Lãng phí là kẻ thù của nhân dân. Lãng phí vật chất, tài sản đã nguy hiểm, nhưng lãng phí nhân tài càng nguy hiểm hơn. Khi không có cán bộ tốt, Đảng viên tốt thì tổ chức Đảng sẽ không vững mạnh. Lãng phí nhân tài chính là Đảng không tập hợp được những con người ưu tú tham gia gánh vác công việc của đất nước...", TS Bùi Đình Phong nói.