Được cứu trợ 9.000 tỷ đồng, DN cá tra vẫn than khó
Được cứu trợ 9.000 tỷ đồng, DN cá tra vẫn than khó
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cùng các bộ ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ gói tín dụng cấp bách là 9.000 tỷ đồng. Qua đó nhằm hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 800.000 tấn cá tra nguyên liệu đến hết năm 2012. Và hiện Chính phủ vừa mới đồng ý và thông qua gói cứu trợ này khi giao cho Ngân hàng phát triển cùng các ngân hàng thương mại cho các DN vay với lãi suất 11,4%/năm trong vòng 4 tháng.
Tuy nhiên, khi nhận được thông báo này nhiều DN lại tỏ ra khá thờ ơ vì với tình hình xuất khẩu cá tra đang rất chậm như hiện nay thì chỉ có những DN nào “không cứu vãn” được nữa mới chấp nhận điều kiện vay như trên.
Ông Lương Hoàng Mãnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Mekong cho rằng, mức 4 tháng là quá ngắn, ít nhất cũng phải là 8 tháng hoặc 1 năm. Hơn nữa, lãi suất là 11,4% vẫn còn cao so với đề xuất trước đây của các DN là dưới 10%. “Chiếc phao cứu trợ cho DN lần này chỉ đủ dưỡng khí đoạn đường ngắn, trong khi DN cần sức để bơi đương dài”, ông Mãnh nhấn mạnh.
Về phía người nông dân cũng nóng lòng chờ DN tiếp cận được nguồn vốn để trả nợ cho họ. Theo ông Ngyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (TP.Cần Thơ), hiện tại do DN không đến mua cá nên nông dân phải tự nguyện bán cá cho DN lấy tiền chậm khoảng 1 – 2 tháng. Tuy nhiên tình trạng này kéo dài sẽ có hàng loạt nông dân sẽ phải phá sản, bởi người nuôi đã hết khả năng xoay vốn, tài sản cũng đã thế chấp hết.
Với vai trò là cơ quan chức năng của địa phương ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cần Thơ cũng cho rằng, gói hỗ trợ này quá nhỏ không thấm vào đâu. Chỉ tính sơ bộ, ở ĐBSCL đã có đến trên 200 DN thủy sản như vậy nên đưa ra mức 20.000 tỷ đồng thì hợp lý hơn. Ngoài ra, mức lãi suất như gói hỗ trợ đưa ra vẫn còn qua cao đối với DN xuất khẩu ngành cá tra. Với lãi suất này thì tiền bán cá ra chỉ đủ trả lãi ngân hàng.
Vì vậy, nhiều DN, nông dân cho rằng, họ đang cần gói hỗ trợ lớn hơn, lãi suất thấp hơn với thời hạn lâu hơn, khả năng tiếp cận nguồn vốn khả thi hơn. Để gói hỗ trợ này không trở thành miếng “bánh vẽ” mà cả DN và nông dân ngày đêm ao ước.
Thúy Ngà