Đừng lười kiểm tra 'súng ống' của bé trai
Hệ sinh dục của trẻ trai có nhiều bất thường bẩm sinh, nếu không được phát hiện và điều trị bệnh sớm có thể mất chức năng sinh sản, thậm chí ung thư.
Bác sĩ Hồ Trung Cường, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa mổ cho một bé trai bị hoại tử tinh hoàn vì xoắn tinh hoàn. Bé vào viện vì đau bụng 2 hôm không dứt, cha mẹ kiểm tra thấy con có khối phồng ở vùng bẹn.
Khi vào viện, các bác sĩ khám thấy vắng tinh hoàn một bên bìu nên nghĩ có thể là xoắn tinh hoàn ẩn. Kết quả siêu âm ghi nhận không thấy tưới máu tinh hoàn nên bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Các bác sĩ đã tháo xoắn và chờ đợi nhưng tinh hoàn vẫn không thể hồi phục, ê kíp đành phải cắt bỏ tinh hoàn bên phải đã hoại tử, cố định tinh hoàn còn lại để không bị xoắn trong tương lai.
Gia đình của bé biết bé bị tinh hoàn ẩn từ trước nhưng ngại không mổ vì bé còn nhỏ. Đây là điều đáng tiếc cho bé.
ThS.BS Lê Anh Tuấn - Khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, cho biết thực tế có nhiều bé trai được cha mẹ đưa đến khám như viêm bao quy đầu, đau tinh hoàn, tinh hoàn ẩn.
Đáng tiếc nhất là các trường hợp tinh hoàn hoại tử do bị xoắn mà cha mẹ không biết. Hoặc có bạn trai trưởng thành mới tự thấy cơ quan sinh dục của mình bất thường. Vào viện khám thì tinh hoàn ẩn đã chuyển thành khối ung thư.
Nuôi con trai bạn vẫn phải kiểm tra bộ phận sinh dục cho bé. |
Vì vậy, việc nuôi con trai và thường xuyên kiểm tra "súng ống" của con cũng rất quan trọng.
Bình thường, các bé trai khi mới sinh ra bộ phận sinh dục tương đồng với người lớn.
Trẻ sẽ có tinh hoàn và dương vật phát triển từ từ tới khi trẻ dậy thì. Mỗi độ tuổi, trẻ có độ phát triển khác nhau. Nếu bạn thấy dương vật của bé không phảt triển thì nên cho bé đi khám.
Khi sinh bé trai, BS Anh Tuấn hướng dẫn cha mẹ cần theo dõi bộ phận sinh dục của bé ở các đặc điểm sau:
Thứ nhất, chú ý kích thước, nếu bé mới ra đời chiều dài kích thước dương vật nhỏ hơn 2,5 cm đó là bất thường, bạn cần cho con đi gặp bác sĩ.
Thứ hai, da quy đầu của em bé. Trẻ trai sinh ra đều hẹp da bao quy đầu sinh lý. Đến khi 5 tuổi, 95% trẻ tự tụt da quy đầu xuống. Ở giai đoạn dưới 5 tuổi bạn không tự tụt da quy đầu cho bé. Khi bé qua 5 tuổi nhưng không tự tụt da bao quy đầu đó là biểu hiện hẹp bao quy đầu nên đưa bé đi kiểm tra để bác sĩ hướng dẫn xử lý bao quy đầu.
Thứ ba, khi nuôi bé trai bạn cũng cần kiểm tra lỗ niệu đạo của bé. Nếu lỗ tiểu của bé không nằm ở trong bao quy đầu mà nằm ở thân dương vật, gốc dương vật đó là bất thường đường tiểu.
Thứ tư, bất thường về bìu của bé. Bìu quá to là tồn tại phúc mạc vì khi mang thai tinh hoàn ở bụng chuyển xuống bìu dần dần, ống phúc mạc đóng lại nhưng có trẻ ống này chưa đóng. Với tình trạng này, trẻ dưới 1 tuổi không can thiệp vì ống sẽ đóng lại. Sau 1 tuổi bé vẫn to thì phải phẫu thuật.
Thứ năm, kiểm tra bé có đủ hai tinh hoàn hay không. Nếu bạn không sờ được thì bạn nên cho bé đi khám để bác sĩ siêu âm xem con bạn có đủ tinh hoàn hay không. Nếu tinh hoàn lạc chỗ sẽ phẫu thuật sớm tốt cho bé hơn. Trẻ trước 6 tháng thiếu 1 tinh hoàn thì không nên lo lắng nhưng sau 6 tháng phải đi khám, tốt nhất là phẫu thuật trước 1 tuổi.
Trẻ 14 – 15 tuổi không thấy con phát triển bộ phận sinh dục thì bạn cần cho con đi kiểm tra bác sĩ ngay.
Ngoài ra, bác sĩ Tuấn cũng cho biết trong thời gian bé trưởng thành nếu có tình trạng đau ở tinh hoàn thì hết sức cẩn trọng vì có thể trẻ bị xoắn tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn ở trẻ rất nguy hiểm. Sau 24 tiếng trẻ bị xoắn tinh hoàn không được tháo xoắn thì tinh hoàn sẽ mất tác dụng sinh sản, thậm chí phải cắt bỏ tinh hoàn.
Vì vậy, BS Anh Tuấn lưu ý, nếu con than đau tinh hoàn cần đưa trẻ đi khám. Đôi khi, trẻ xoắn tinh hoàn có thể đau bụng, nôn ói, đau vùng bìu.
BS Anh Tuấn khuyến cáo trong suốt thời gian trẻ trưởng thành, cha mẹ cần thường xuyên theo dõi bộ phận sinh dục của con để nếu có bất thường nên đi kiểm tra ngay.
Khánh Chi