Đưa nhiều kỹ thuật y tế cao phục vụ bà con dân tộc thiểu số
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện |
Tán sỏi “trung ương” ở huyện
Huyện Mộc Châu có diện tích trên 108.166h ha, dân số 106.038 người thuộc 10 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 38,5%; dân tộc Thái chiếm 30,1%; dân tộc Mông chiếm 12,2%; dân tộc Mường chiếm 12,4%; dân tộc Dao chiếm 5,7%; dân tộc Sinh Mun chiếm 0,7%, dân tộc Tày chiếm 0,08%; các dân tộc khác chiếm 0,06%.
Hệ thống cơ sở y tế gồm 1 bệnh viện đa khoa, 1 Trung tâm y tế huyện, 15 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó Trạm Y tế thị trấn Mộc Châu đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.
Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu đã phát triển nhiều kỹ thuật y tế để phục vụ bà con trong vùng. Gần đây nhất đó là kỹ thuật tán sỏi niệu quản theo phương pháp nội soi ngược dòng bằng tia laser được Bệnh viện đa khoa Mộc Châu áp dụng từ đầu năm 2017.
Đến nay, đội ngũ y bác sỹ của đơn vị đã làm chủ được kỹ thuật, điều trị tán sỏi thành công cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn huyện.
ThS. Nguyễn Văn Dinh - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cho biết: “Về ưu điểm của phẫu thuật nội soi, bệnh nhân không phải chịu vết mổ lớn. Hơn nữa, qua phương pháp này giúp cho các bác sĩ phát hiện sâu tận ngóc ngách mà bằng phương pháp mổ mở như trước đây không thể quan sát được”. BS. Dinh thông tin thêm, bệnh viện cũng đã thực hiện thành công phương pháp cắt u xơ tuyến tiền liệt nội soi, đây là một bước đột phá mới, bởi thay vì trước đây, với những ca phức tạp này đều phải chuyển đi Hà Nội hoặc các bệnh viện lớn hơn, thì nay bác sĩ của bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật.
Với kỹ thuật này, sau khi bệnh nhân được gây tê tủy sống, các bác sỹ dùng ống nội soi niệu quản qua đường niệu đạo lên niệu quản đến vị trí sỏi nằm, sau đó luồn dây dẫn tia laser phá vỡ sỏi thành từng mảnh nhỏ để đưa ra ngoài. Đây là kỹ thuật có nhiều tính năng ưu việt bởi có thể tán được tất cả các loại sỏi với tỷ lệ thành công cao, ít đau, không mất máu, không để lại sẹo sau mổ nên tính thẩm mỹ cao, thời gian phục hồi nhanh hơn so với kỹ thuật mổ mở truyền thống.
BSCKII. Vi Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cho biết, đặc điểm của bệnh viện nằm trong khu vực người dân tộc là chủ yếu. Nhiều bệnh nhân là dân tộc thiểu số đến bệnh viện điều trị nhưng “vượt quá tầm tay” của bác sĩ giới thiệu họ lên tuyến trên họ không lên mà quay về nhà. Nếu bệnh nhân về nhà họ sẽ nguy hiểm nên các bác sĩ trong bệnh viện luôn mong muốn đưa được các kỹ thuật y tế cao về phục vụ bà con trong huyện.
Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục quan tâm và chú trọng vào những lĩnh vực chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Đặc biệt là đối với những bệnh lý phức tạp và phổ biến hiện nay thì việc đưa vào hoạt động những ứng dụng kỹ thuật cao và chuyên sâu là điều vô cùng cấp thiết. Sắp tới đây, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong lĩnh vực phẫu thuật sọ não, phẫu thuật tiết niệu, chấn thương chỉnh hình với bước chuẩn bị chu đáo cả về nhân lực nhằm triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật mới.
Đưa bác sĩ về bản
Không chỉ thực hiện đưa các kỹ thuật cao về phục vụ bà con vùng cao mà Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cũng thường xuyên cắt cử bác sĩ xuống các trạm y tế xã để giúp đỡ về chuyên môn.
Các bác sĩ được tăng cường hỗ trợ chuyên môn tuyến xã 2 ngày/tuần, tổng thời gian xuống xã ít nhất là 6 tháng. Các bác sỹ được tăng cường có nhiệm vụ: trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân; Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã triển khai xây dựng kế hoạch và thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; Đào tạo tại chỗ cho cán bộ y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như thái độ phục vụ nhân dân.
Mới đây nhất hai xã Mường Sang và xã Quy Hướng đã được bệnh viện cử 2 bác sĩ về. Đây là 2 xã chưa có bác sỹ, đặc biệt xã Quy Hướng cách trung tâm huyện 50km, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ dân trí thấp. Việc đưa bác sĩ trẻ có tay nghề cao về hỗ trợ chuyên môn tại các vùng khó khăn nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở, nâng chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương, đồng thời góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
BS Kỳ chia sẻ, xuất phát từ thực tế là trước đây ở các trạm y tế, bác sĩ chỉ lo công tác phòng, chống dịch mà thiếu bác sĩ khám chữa bệnh cho dân, cộng thêm đặc thù địa hình chia cắt, việc di chuyển bệnh nhân lên BV huyện rất mất thời gian, đôi khi vô tình làm mất đi cơ hội của bệnh nhân được tiếp xúc sớm với các dịch vụ y tế cần thiết. Bởi vậy, việc cải thiện chất lượng trạm y tế, đẩy mạnh nhân lực y bác sĩ về tuyến dưới để tạo niềm tin cho người dân cũng là giúp giảm tải tuyến trên một cách hiệu quả.
Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn; hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải tại các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân và xã hội. Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp pần xây dựng và phát triển huyện Mộc Châu.