Đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Mặc dù không được giao chủ trì các nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai giai đoạn 2010 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, với trách nhiệm được giao, Bộ KH&CN đã luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các Bộ ngành, địa phương để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, Bộ KH&CN tập trung đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp;
Tập trung nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; các giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực... góp phần tạo nên những bước tiến mới, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp tại nông thôn.
Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới… đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng.
Nhiều công nghệ mới được áp dụng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều nhân, hạt tiêu và gạo…
Từ kết quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của KH&CN đã đóng góp tăng năng suất, chất lượng cho lĩnh vực nông nghiệp trên 30%.
Khoa học và công nghệ của ngành đã tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc thực tiễn đối với các sản phẩm chủ lực của ngành như cây lúa, cây cà phê, cây tiêu, tôm, cá tra, cây lấy gỗ lớn, lợn, gia cầm; đã đặt hàng trực tiếp cho các tổ chức nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng, có sự tham gia của doanh nghiệp, góp phần thay đổi các tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh xuất khẩu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Đặc biệt, đã thực hiện thay đổi mô hình canh tác, cơ giới hóa nông nghiệp, thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó Bộ KH&CN đã và đang triển khai như:
Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (Chương tình nông thôn miền núi)
Với Chương trình này đã tập trung đưa ứng dụng các kết quả nghiên cứu của tất cả các lĩnh vực vào thực tiễn sản xuất cho vùng nông thôn, miền núi tới tận người nông dân, hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nông thôn, miền núi.
Trong 10 năm triển khai Chương trình đã huy động 100 cơ quan KH&CN Trung ương và lực lượng KH&CN địa phương làm công tác chuyển giao công nghệ và đã chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ và sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 263.264 lượt nông dân.
Đã sử dụng 128.643 lao động tại chỗ giúp các địa phương góp phần giải quyết tình trạng lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân.
Các công nghệ được đưa vào ứng dụng của các dự án thuộc Chương trình Nông thôn-miền núi thường là các công nghệ tiên tiến góp phần quan trọng để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.
Chương trình nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen (Chương trình quỹ gen cấp quốc gia)
Kể từ khi có Nghị quyết 37/NQ-TW, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho triển khai các nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia mà đối tượng là các loài đặc sản, có giá trị kinh tế trên mọi miền của đất nước, trong đó có phần lớn nhiệm vụ triển khai tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Đã thực hiện nghiên cứu bảo tồn và phát triển được trên 30 giống lúa đặc sản; 15 giống cây ăn quả đặc sản đã được chọn lọc cây đầu dòng; 20 nguồn gen cây gỗ và lâm sản ngoài gỗ quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao; 60 quy trình chọn lọc, sinh sản, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng nguồn gen tạo số lượng lớn đàn hạt nhân và đàn sản xuất gia súc; 255 chủng giống vi sinh vật được đánh giá theo chuẩn quốc tế, đảm bảo có đặc tính sinh học ổn định phục vụ cho sản xuất vắc-xin, sản xuất các chế phẩm sinh học trong các lĩnh vực: chăn nuôi, bảo vệ môi trường, cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; phát triển nhiều loại dược liệu quý, hiếm, có giá trị cho ngành dược theo đúng định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế.
Cho đến nay các giống bản địa có chất lượng cao đang được người dân ưa chuộng và phát triển thành sản xuất hàng đặc sản và đang mở rộng để xây dựng thương hiệu và phục vụ xuất khẩu đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Chương trình sản phẩm KHCN quốc gia
Bộ KH&CN chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp phát triển 07 nhóm sản phẩm phục vụ nông nghiệp gồm: (Sản phẩm lúa gạo VN chất lượng cao, năng suất cao; Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu; Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn; Tôm nước lợ; Cà phê Việt Nam; Vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi và Sản phẩm Sâm Việt Nam).
Đối với sản phẩm Vắc xin vật nuôi, Bộ KH&CN đã phê duyệt và đang triển khai 12 nhiệm vụ, đến nay đã có 01 vắc-xin được lưu hành và sản xuất đại trà (Vắc xin cúm); 02 vắc xin đã được công nhận chủng giống gốc (LMLM, tai Xanh). Đặc biệt Bộ KHCN đã đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức nghiên cứu hỗ trợ vắc xin dịch tả lợn Châu Phi.
Đối với sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao, Bộ KH&CN đã phê duyệt 02 dự án KHCN, với 09 nhiệm vụ KHCN, đến nay đã chọn tạo thành công 03 giống lúa thuần chất lượng cao (02 giống ở đồng bằng song Cửu Long; 01 giống ở Miền Bắc). Làm chủ công nghệ sản xuất giống, góp phần chủ động đưa trên 90% diện tích thâm canh lúa được trồng giống mới. Riêng với công nghệ reo thẳng của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long tiết kiệm được 50% lượng giống lúa sử dụng cho reo trồng (200.000 lúa giống/ năm) tại vùng đồng bằng song Cửu Long.
Các sản phẩm KHCN quốc gia đã được phát triển hiệu quả, khẳng định được làm chủ công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam và đã triển khai ứng dụng trong sản xuất qui mô lớn.
Hoạt động sở hữu trí tuệ và xây dựng tiêu chuẩn
Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều nội dung hỗ trợ nông dân và hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn, cụ thể là:
Xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản của địa phương dưới các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể;
Xây dựng Danh mục địa danh dùng cho trên 1.200 đặc sản định hướng hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao giá trị các nông sản gắn với địa danh;
Hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 977 đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của các địa phương trên cả nước ;
Có 55 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được cấp văn bằng bảo hộ liên quan đến các sản phẩm nông nghiệp.
Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức xây dựng và công bố nhiều Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) bao gồm: 1.570 TCVN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nông sản và thực phẩm chiếm gần 70% (1089 TCVN); Soát xét và xây dựng mới các TCVN về nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (chăn nuôi hữu cơ, gạo hữu cơ, chè hữu cơ, sữa hữu cơ....); rà soát và ban hành 205 QCVN liên quan đến bảo vệ thực vật, giống cây trồng nông nghiệp...
Cấp giấy chứng chận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, chứng nhận cho các tổ chức chứng nhận, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ghi nhãn hàng hóa thuộc lĩnh vực nông nghiệp...